4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam đạt 504,7 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu giấy các loại về Việt Nam đạt 812 nghìn tấn, kim ngạch 699,2 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và tăng 26,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều triển vọng cho xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy (đặc biệt là giấy bao bì của Việt Nam, trong đó: năng lực sản xuất giấy bao bì tăng; nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì tăng; cùng với đó, xu hướng dịch chuyển sản xuất, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, triển vọng xuất khẩu tích cực sẽ là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu giấy bao bì thời gian tới.
Tình hình xuất – nhập khẩu ngành giấy của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021
Về xuất khẩu:
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 138,3 triệu USD, giảm 13,9% so với tháng 3/2021 nhưng tăng 19% so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam đạt 504,7 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 4/2021, Việt Nam xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy nhiều nhất sang thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,5 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng 4/2020, tiếp đến là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,44 triệu USD, tăng 16,3%… Nhìn chung, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy tăng ở nhiều thị trường trong tháng 4/2021 so với tháng 4/2020, trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh như Malaysia tăng 121,8%; Philippin tăng 398,8%, Anh tăng 311,3%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy sang thị trường Mỹ đạt 108,8 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020; trái lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 18,2%, đạt 91,6 triệu USD.
Về nhập khẩu:
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu giấy các loại vào Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 202,2 nghìn tấn, kim ngạch 186,4 triệu USD, giảm 17,9% về lượng và giảm 12,5% về kim ngạch so với tháng 3/2021; tăng 14,9% về lượng và tăng 29,7% về kim ngạch so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu giấy các loại về Việt Nam đạt 812 nghìn tấn, kim ngạch 699,2 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và tăng 26,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 4/2021, nhập khẩu giấy các loại từ các thị trường vào Việt Nam tăng so với tháng 4/2020 ở hầu hết các thị trường nhập khẩu chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan. Đáng chú ý, nhập khẩu giấy các loại từ thị trường Ấn Độ tăng mạnh trong tháng 4/2021, với lượng nhập khẩu đạt 13 nghìn tấn, kim ngạch 8,3 triệu USD, tăng 294,4% về lượng và tăng 357,8% về kim ngạch so với tháng 4/2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất giấy các loại cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu đạt 175,9 nghìn tấn, kim ngạch 182,5 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 32,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Triển vọng xuất khẩu giấy bao bì của Việt Nam rất lớn
Từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam luôn ở mức cao so với các tháng cùng kỳ năm 2020, đây là kết quả của năng lực sản xuất ngành giấy tăng lên, cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ giấy và sản phẩm giấy trong nước cũng như thế giới tăng cao, đặc biệt là giấy bao bì.
Theo nhận định, xuất khẩu giấy bao bì của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới nhờ những yếu tố:
Thứ nhất, năng lực sản xuất giấy bao bì tăng
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm.
Theo đó, cuối năm 2020 với công suất khoảng 800.000 tấn bởi các doanh nghiệp: Tập đoàn Marubeni 450.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV Giấy Khôi Nguyên 120.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Giấy Phát Đạt 100.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Toàn Cầu 80.000 tấn/năm và Công Ty TNHH Thương Mại Tân Huy Kiệt 50.000 tấn/năm.
Các dây chuyền sản xuất giấy này sẽ vận hành đạt gần tối đa công suất thiết kế trong năm 2021 và sẽ bổ sung cho thị trường khoảng trên 700.000 tấn giấy.
Trong năm 2021, dự kiến một số dây chuyền khác sẽ được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là khoảng 600.000 tấn/năm; trong đó, Công ty cổ phần Miza sẽ vận hành dây chuyền 120.000 tấn/năm, Công Ty TNHH Giấy Hưng Hà
100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ 100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì 150.000 tấn/năm, các đơn vị khác khoảng 100.000 tấn/năm.
Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì tăng
Mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021-2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) dự báo tốc độ đô thị hóa trong nước ước đạt 40% trong năm 2024 so với mức 37% năm 2019.
Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức 2 chữ số. Ngoài ra, tổng kim ngạnh xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu về bao bì giấy trong tương lai.
Thứ ba, nhiều yếu tố hỗ trợ khác như xu hướng dịch chuyển sản xuất, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, triển vọng xuất khẩu rất tích cực
Ngoài ra, VPPA cũng chỉ ra các yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của giấy bao bì tại Việt Nam như xu hướng dịch chuyển sản xuất vẫn ngành giấy vẫn đang diễn ra; các Hiệp định thương mại tự do với những lợi thế về thuế, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều ngành hàng, kéo theo đó sẽ đẩy mạnh nhu cầu sử dụng bao bì giấy từ các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, may mặc và dày da, điện thoại và điện tử… Tiêu dùng bán lẻ trong nước cũng được dự báo tăng trở lại mạnh mẽ; việc hạn chế
rác thải nhựa, túi nilon và gia tăng khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển sâu rộng và mạnh tại Việt Nam vào năm 2021; ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực châu Á dự báo có thể tăng trưởng trở lại trên 3,5%. Nhiều quốc gia, khu vực sẽ ban hành lệnh hạn chế thậm chí cấm sử dụng túi nilon, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn thực hiện điều này mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 – 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường Trung Quốc năm 2021 triển vọng cao hơn năm 2020, do Trung Quốc được dự báo sẽ thiếu cung hơn 5 triệu tấn và có thể cao hơn khi lệnh cấm nhập khẩu giấy thu hồi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Giá giấy cao hơn do áp lực về giá nội địa tăng cao và đặc biệt là chi phí về môi trường, năng lượng (chính sách siết chặt về môi trường được thực hiện từ tháng 10/2020).
Việc Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đang tiến hành điều tra xem áp thuế chống bán phá giá đối với giấy bao bì Kraft chưa tẩy nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Mỹ (cụ thể, Loại giấy này có mã HS là 48042100 và 48043100, chủ yếu được làm bằng bột gỗ chưa tẩy trắng, hoặc cũng có thể làm từ các loại nguyên liệu khác như giấy thu hồi và sợi tre. Giấy có định lượng cơ bản không quá 115 g/m² và có thể được sử dụng để làm bao bì cho xi-măng, hóa chất và bao gói hàng khô. Các mức thuế có hiệu lực trong 5 năm, nhưng sẽ được giữ nguyên trong quá trình xem xét, sẽ kết thúc vào tháng 4/2022) sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu giấy bao bì sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Theo: Bộ Công Thương