Thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ phát triển ổn định nhờ những thông tin tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư tích cực, lượng cầu mạnh và sản phẩm đa dạng. Dư nợ tín dụng bất động sản tăng sẽ tác động tích cực lên thị trường.
Những tháng đầu năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 xuất hiện tại Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tiêu cực như đầu năm 2020. Thị trường vẫn ghi nhận sự tăng giá của bất động sản với mức tăng phân hóa tùy từng khu vực.
Diễn biến thị trường khá lạc quan nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực. Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,4% và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có tăng trưởng GDP cao nhất. Hiệu quả chống dịch và giữ vững tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục là điểm sáng trong năm nay. Trong năm được gọi là “năm vaccine”, dự báo GDP của Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 7,5% bất chấp đợt dịch mới đang bùng phát.
Tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2021 được dự báo sẽ khá lạc quan, tăng trưởng GDP có thể đạt 4,7 – 5,0%. Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường trong thời gian bùng phát dịch bệnh; Nhu cầu toàn cầu cải thiện nhờ niềm hy vọng đến từ việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới; Chính phủ đã kịp thời kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư khá tích cực. Hiện nền tảng vĩ mô của Việt Nam ổn định, hệ thống tài chính vẫn đứng vững, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khá dồi dào.
Theo khảo sát, đa số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào thị trường bất động sản sẽ là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận vững trong trung – dài hạn. Tại một số khu vực hiện nay như Thành phố Thủ Đức, hay một số tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai, Bình Dương, Long An… lượng nhà đầu tư tìm kiếm nhà đất vẫn tăng lên. Bên cạnh các nhà đầu tư kì cựu thì các nhà đầu tư F0 vẫn đổ dòng tiền từ từ vào BĐS, xem đây là kênh đầu tư sinh lợi tốt, an toàn.
Dù thị trường BĐS năm 2021 còn một số khó khăn nhưng tâm lý vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân vẫn khá tốt. Với các nhà đầu tư cá nhân thì đầu tư BĐS là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng.
Dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Do đó, kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường được dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021.
Nhu cầu đối với tài sản văn phòng và nhà ở vẫn ổn định, trong khi các tài sản khu công nghiệp được dự báo là thị trường hứa hẹn nhất. Khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã phải tính kế hoạch để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất và tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Song song với đó là sản phẩm khá đa dạng. Dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên thị trường trong nửa đầu năm 2020 buộc nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu thực tế của người dân.
Các chủ đầu tư cũng chú trọng đến việc kiến tạo các không gian sống mới để không chỉ đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo nên những trào lưu mới, trải nghiệm sống mới.
Trong xu thế đó, những doanh nghiệp đón đầu được làn sóng phát triển hạ tầng và xu hướng lựa chọn sản phẩm của người mua đã gặt hái thành công lớn, bất chấp tác động của dịch COVID-19.
Mặc dù mặt bằng giá tăng, nhưng thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục phát triển ổn định nhờ lực cầu tăng mạnh. Kinh tế vĩ mô ổn định và những chiến lược khôn ngoan của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu an cư của người mua và hướng đến lợi ích lâu dài.
Theo báo cáo phân tích của VNDirect, thị trường bất động sản Việt Nam có chu kỳ 7 năm và bất động sản năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ tăng cao, trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và kỳ vọng GDP đạt tăng trưởng khả quan trong năm 2021 như dự báo.
Xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà.
Dư nợ tín dụng bất động sản tăng
Theo thống kê, tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản (BĐS) vẫn tăng trưởng, điều này cho thấy thị trường không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dư nợ tín dụng BĐS tiếp tục tăng.
Theo Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), hiện nay tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng BĐS vẫn giữ được sự tăng trưởng. Nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường BĐS là tín dụng ngân hàng, nhưng trong năm qua vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như: vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.
Ngoài việc tiếp tục thực hiện các khoản vay cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng cũng bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà, như: tại VPBank (từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên); BIDV (từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên); Vietcombank (từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu); Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).
Nhìn chung, so với thời điểm cuối năm 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây. Nhưng tỷ trọng dư nợ BĐS đối với toàn ngành lại có sự gia tăng, nếu như năm 2019 chiếm 6,37% thì hết thời điểm này tăng lên 7,2%.
Mặc dù mức dư nợ tín dụng BĐS thời gian gần đây có tăng, nhưng theo đánh giá vẫn ở ngưỡng an toàn, lực cầu của thị trường BĐS tăng mạnh do sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang, làm tăng mạnh hơn khoảng 30% lực cầu đầu tư thị trường. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn, nên ít nhất là trong ngắn hạn từ 1 – 2 năm thị trường sẽ khó có thể xảy ra biến cố đóng băng hoặc bong bóng.
Nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có điểm sáng đáng kể trong thời gian tới. Theo dõi diễn biến trên thị trường, lực cung vẫn đủ mạnh để có thể tạo ra những đợt sóng hoặc bùng nổ ở những điểm hấp dẫn.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L