Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng khi dịch bệnh dần kiểm soát, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã bắt đầu sôi động trở lại trong những tháng cuối năm 2020. Nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt chính sách mới tiếp tục hỗ trợ thị trường, trong đó các Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các thông tư về phát triển các loại hình bất động sản.
Năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam hứa hẹn cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự linh hoạt của các doanh nghiệp, đặc biệt là yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế. Việc tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt hơn cũng sẽ tác động đến thị trường trong bối cảnh thị trường vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên về dài hạn, việc kiểm soát tốt nguồn tín dụng bất động sản sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, minh bạch và bền vững hơn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid- 19, nhưng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã bắt đầu sôi động trong những tháng cuối năm 2020, với nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường, nhất là các Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các thông tư về phát triển các loại hình bất động sản…
Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14). Trong đó, nhiều quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 như: quy định về thẩm quyền báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của chủ đầu tư; quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế; quy định về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt…
Các quy định mới này đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, cũng như người dân trong xây dựng công trình; đồng thời, chủ đầu tư tháo gỡ được những “nút thắt” trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách của Nhà nước. Các chính sách bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất condotel, officetel; thúc đẩy các dự án chậm triển khai và các chính sách liên quan như nới lỏng tín dụng ngân hàng; giảm thuế, quỹ và các công cụ tài chính; tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư…, sẽ đảm bảo cho thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn.
Quỹ đất ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang dần cạn kiệt, theo đó, sự trỗi dậy của những vùng đất mới đã trở thành một trong những xu hướng chính chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhiều năm trở lại đây. Thực tế, xu hướng ly tâm để dịch chuyển về các thị trường mới đã diễn ra trong nhiều năm nay và dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2021, đặc biệt tại những điểm sáng như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình…
Một yếu tố khác giúp các vùng đất mới được quan tâm đó là: Hạ tầng giao thông kết nối giữa địa phương với các khu vực trung tâm ngày một phát triển giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện hơn, càng tạo lực đẩy cho nhà đầu tư mạnh dạn đón sóng ở các thị trường mới nổi. Những dự án giao thông lớn có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản ở cả 3 miền.
Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản sẽ giúp thị trường ổn định, minh bạch và bền vững
Trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản theo thống kê vẫn tăng trưởng và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác. Theo thống kê, trong quý I/2020, dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chỉ đạt 526,396 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,186 tỷ đồng. Quý III là 606,253 và quý IV là 633,470 tỷ đồng.
Trước diễn biến đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN đang theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS để kịp thời xử lý. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng không hạ thấp điều kiện tín dụng, thực hiện xem xét, quyết định cho vay đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ theo quy định pháp luật hiện hành.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, tín dụng BĐS đã được NHNN kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng giảm (năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53%) và giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%).
Năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS (ước khoảng 9,97%) thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung (khoảng 12,13%). Do đó, nhận định nhiều ngân hàng chuyển hướng cho vay BĐS là chưa chính xác.
Liên quan đến chính sách tín dụng cho BĐS trong năm 2021, NHNN cho biết vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh BĐS, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
NHNN sẽ điều hành linh hoạt chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, phù hợp với định hướng chung và diễn biến thị trường BĐS, góp phần phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh.
Kinh doanh BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được Chính phủ chỉ đạo cần kiểm soát chặt chẽ. Do đó, NHNN cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo các NHTM rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến kinh doanh BĐS. Trong quá trình thực hiện, NHNN yêu cầu các NHTM phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Như vậy, với chính sách điều hành thận trọng của NHNN về tín dụng bất động sản, dự báo thị trường BĐS Việt Nam năm 2021 sẽ ít có nguy cơ xảy ra “bóng bóng”. Từ đầu năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sự ổn định, giảm thiểu thiệt hại và chuẩn bị các yếu tố phát triển mới cả về thể chế và yếu tố thị trường. Nhờ đó, nhìn chung thị trường bất động sản đã không xảy ra trạng thái cực đoan lớn.
Cùng với đó, chính sách tín dụng bất động sản được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, cung cấp tín dụng có kiểm soát đối với các phân khúc bất động sản cao cấp, tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, phân khúc nhà ở xã hội cũng được ưu tiên cấp tín dụng một cách hợp lý.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L