Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế trong nước và thế giới do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những ngành hàng đạt được kim ngạch xuất khẩu cao là nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội và các đơn vị quản lý nhà nước trong việc tận dụng các lợi thế do các hiệp định thương mại tự do mới mang lại. Bên cạnh đó, sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, tiếp thị như đa dạng mẫu mã, tiến hành tiếp thị online qua các triển lãm trực tuyến, tìm kiếm phát triển thị trường mới… và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, đã hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số trong năm 2020, ngành gỗ tiếp tục trở thành điểm sáng trong cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đặt ra trong năm 2021 là 14 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021 ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt, hiện tượng thời tiết bất thường ảnh hưởng tới nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu trong nước. Sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng cũng như gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN…
Mặc dù chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, nhưng nhiều loại gỗ Việt Nam vẫn cần phải nhập khẩu. Vì vậy, việc nhiều quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trên thế giới và trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu, cũng tác động tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để tăng sức cạnh tranh. Cần phải nắm bắt, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mang lại, nhất là tập trung khai thác một số FTA vừa được ký giữa Việt Nam với một số thị trường, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới nổi, tiềm năng, đa dạng hóa thị trường.
Các cơ quan chức năng cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng. Chính phủ cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu.
Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong năm 2021
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2020 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 20,1% so với tháng 12/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, tăng 24,7% so với tháng 12/2019. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,55 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019.
Trong những tháng đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ngành gỗ là một trong những ngành cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Xuất khẩu bị gián đoạn do các nước đối tác trì hoãn nhập khẩu bởi dịch bệnh, các đơn hàng bị hủy hoặc giãn thời gian giao hàng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tuy nhiên nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành với hàng loạt giải pháp ứng phó dịch Covid-19 hiệu quả, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kết quả tích cực, đóng góp chung vào đà tăng trưởng của cả nước trong năm 2020. Để giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2020 và đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hơn nữa trong năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt và tận dụng tốt mọi cơ hội. Cụ thể:
+ Các doanh nghiệp cần phải nắm bắt, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mang lại, nhất là tập trung khai thác một số FTA vừa được ký giữa Việt Nam với một số thị trường, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới nổi, tiềm năng, đa dạng hóa thị trường.
+ Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cần tập trung vào các mặt hàng chủ lực có tiềm năng phát triển mang lại trị giá cao như các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
+ Triển khai các chương trình quảng bá liên tục, mới mẻ và hấp dẫn nhằm củng cố nhận diện và nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài; chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.
Ngoài việc nắm bắt và tận dụng tốt mọi cơ hội, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 cũng rất khả quan nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường tiêu thụ chính, đặc biệt là thị trường Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết. Sự gián đoạn trong sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất tại các thị trường chính do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiếp cận với nhiều khách trên toàn cầu.
+ Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng cao. Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ. Trong năm 2021, thị trường Mỹ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhà ở. Vì vậy, theo dự báo từ Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) Mỹ, năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Mỹ đạt khoảng 1,134 triệu ngôi nhà. Năm 2020 đạt 1,165 triệu ngôi nhà và năm 2023 đạt 1,210 triệu ngôi nhà. Sự tăng trưởng mạnh thị trường nhà ở sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ lớn đối với đồ nội thất tại Mỹ trong những năm tới.
+ Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ, nhưng bị tác động bởi hàng rào thuế quan cao mà Mỹ áp đặt nên thị phần nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh.
+ Các quốc gia sản xuất đồ nội thất lớn tại EU như Italia, Đức, Ba Lan đều bị gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này tại khu vực EU rất lớn. Đây là cơ hội để các thị trường sản xuất đồ nội thất trên thế giới đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, trong đó có Việt Nam.
+ Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Mặc dù nhiều tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khả quan trong năm 2021, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như:
+ Thương mại toàn cầu thời gian qua mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và chủ nghĩa bảo hộ mang đến những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng.
+ Sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng…cũng như gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN. Các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bảo vệ môi trường, dẫn đến việc nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
+ Đối với doanh nghiệp ngành gỗ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…); Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (như nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ.
Hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều có kim ngạch tăng trong năm 2020, trừ mặt hàng dăm gỗ và khung gương. Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu với kim ngạch dẫn đầu đạt 2,73 tỷ USD, tăng 21,0% so với năm 2019. Tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 2,66 tỷ USD, tăng 31,2%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 2,04 tỷ USD, tăng 6,6%; dăm gỗ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2019.
Trong năm 2020 do tác động bởi dịch bệnh, nhiều mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng và giảm sút, nhưng vẫn có những mặt hàng tăng trưởng ổn định. Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng ghế khung gỗ và và mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ.
+ Ghế khung gỗ là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định, ngay cả khi dịch Covid-
19 bùng phát, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng rất mạnh. Mặt hàng ghế khung gỗ xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Triển vọng xuất khẩu ghế khung gỗ trong năm 2021 rất khả quan do nhu cầu thị trường rất lớn. Mặt hàng ghế khung gỗ của Việt Nam ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, và hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, đây là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2021. Bên cạnh đó, lợi ích từ các Hiệp định thương mại đã ký kết cũng mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.
+ Đối với mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ liên tục giảm, nhưng trong nửa cuối năm xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ liên tục tăng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu chung của mặt hàng này trong năm 2020 tăng khá. Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều gặp khó khăn, bởi nhiều yếu tố như chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, nguồn nguyên liệu bị thắt chặt. Tuy nhiên, ngành gỗ nói chung và ngành hàng đồ nội thất phòng ngủ nói riêng vẫn tăng trưởng tốt. Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam trong năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt. Trước tiên là lợi thế về mặt nhân công, lao động cần cù, lương còn tương đối thấp, nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ rừng trồng trong nước và các doanh nghiệp năng động, sáng tạo.Thứ hai là thành viên của các hiệp định: CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định thương mại tự do với một số nước đối tác quan trọng. Do vậy, ngành gỗ nói chung và ngành đồ nội thất phòng ngủ nói riêng có một thị trường khá rộng mở và không bị ràng buộc bởi những hàng rào thuế quan. Ngoài ra, mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ của Trung Quốc vẫn nằm trong danh mục chịu mức thuế cao của Mỹ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần tại những thị trường này.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Gỗ Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wood-logging_90#A