Xuất khẩu hàng dệt, may trong tháng 12/2020 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng 11/2020 nhưng giảm 15,6% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam ước đạt 29,478 tỷ USD, giảm 10,2% so với năm 2019.
Về sản xuất: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành dệt 11 tháng năm 2020 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó IIP tháng 9 giảm 6,3%; tháng 10 giảm 5% và đến tháng 11 đã tăng trở lại 1,3%. Tương tự đối với ngành sản xuất trang phục, mức giảm IIP so với cùng kỳ năm trước được thu hẹp dần, tháng 8 giảm 7,2%; tháng 9 giảm 4,1%; tháng 10 giảm 3,1%, riêng tháng 11 phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng 3,6%. Kết quả này có được do các doanh nghiệp Dệt, may đã tìm cách nắm bắt cơ hội trong thách thức, chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng với tình hình mới như sản phẩm bảo hộ lao động, sản phẩm phục vụ ngành y tế để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, sản lượng vải dệt tự nhiên tháng 11/2020 tăng mạnh 24,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 3,3%, phục hồi rõ rệt so với mức giảm 9,6% của tháng 10 và 5,2% của tháng 9; quần áo mặc thường tăng 3,4%.
Về xuất khẩu: Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu hàng dệt, may trong tháng 12/2020 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng 11/2020 nhưng giảm 15,6% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam ước đạt 29,478 tỷ USD, giảm 10,2% so với năm 2019.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đạt gần 27 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 11/2020, xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,24 tỷ USD, giảm 12,5% so với tháng 10/2020 và giảm 13,2% so với tháng 11/2019.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may năm 2020 giảm 10,2% so với năm 2019 là do là đại dịch diễn ra quá đột ngột, khiến thế giới không kiểm soát được và điều này ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu, việc làm bị ảnh hưởng do chính sách cách ly toàn xã hội dẫn đến thu nhập của người dân giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao cũng đã sụt giảm mạnh sức tiêu thụ.
Ngoài ra, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam còn gặp phải nhiều thách thức như: Sự thay đổi phương thức mua hàng, thanh toán của các khách hàng. Cùng với đó, các mặt hàng sơ mi, veston cao cấp có mức độ tiêu thụ thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc giảm tới 80%. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ lao động, đồ mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải… Đi kèm với việc chuyển đổi là thay đổi công nghệ và phải đào tạo lại lao động, tốn kém chi phí của doanh nghiệp trong khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tháng 11/2020, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt 1,019 tỷ USD, giảm 8,8% so với tháng 11/2019; tiếp đến là thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 317,02 triệu USD, giảm 13,7%; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 260,3 triệu USD, giảm 12%…
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực đều giảm trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 6%; Nhật Bản giảm 11,4%; EU giảm 12,3%; Hàn Quốc giảm 15,3%; Trung Quốc giảm 15,5%… Tuy vậy, xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng mạnh như Bờ Biển Ngà tăng 497,7%; Kenya tăng 402,9%.
Về cơ hội:
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo quy mô của thị trường dệt may toàn cầu đến năm 2025 có thể đạt 2,6 triệu nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4%/năm. EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với 1/3 dân số nhưng chiếm tới 75% tổng giá trị dệt may toàn cầu.
Về sản xuất, các nước đang phát triển đã trở thành công xưởng sản xuất dệt may của thế giới từ những năm 1990. Thời gian gần đây, các quốc gia này đã chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu với tốc độ phát triển khoảng 8,3% trong khi các quốc gia còn lại chỉ khoảng 2,8%. Trung Quốc là quốc gia sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng đang có xu hướng chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao hơn. Đây là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia…
Đặc biệt, cơ hội của doanh nghiệp dệt may là rất lớn, nhiều Hiệp định thương mại và Hiệp định đối tác kinh tế vừa được ký kết và có hiệu lực. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đối với RCEP, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu không cao so với EVFTA, CPTPP. Hơn nữa, trong khối RCEP có một số nước là thành viên của CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu đầu vào, vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ sẽ là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam…
Về thách thức:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường dệt may thế giới, mức độ suy giảm hiện nay của thị trường dệt may thế giới khoảng 20% và theo các chuyên gia phải sau 1-2 năm mới có thể trở về mức đạt được của năm 2019. Dự báo, năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn bởi giai đoạn sau đại dịch, thu nhập của người dân còn rất khó khăn. Sức mua thị trường nội địa năm 2021 vẫn sẽ dậm chân tại chỗ, không có sự tăng trưởng đột phá.
Thứ hai, về vấn đề nguyên phụ liệu, năm 2021 và 2022, Việt Nam có thể vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm, chuyển tiếp từ 2019- 2020 sang, có thể đảm bảo phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam. Nguyên nhân là do sự thay đổi phương thức mua hàng ở các quốc gia, sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu có “trục trặc”, các nhãn hàng thời trang chấp nhận mua nguyên phụ liệu của Việt Nam, trong khi đó, các nhà máy của Việt Nam sản xuất sợi và dệt đã phát huy tốt năng lực phục vụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, ngành dệt may trong nước phải chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, dung lượng thị trường hàng may mặc Việt Nam khoảng 5 – 5,5 tỷ USD vào năm 2020 và đạt khoảng 1 – 7 tỷ USD vào năm 2025. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực khai thác để làm chủ thị trường nội địa nhưng vẫn phải cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng buôn bán tiểu ngạch, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới có hiệu lực và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được ký kết sẽ sớm có hiệu lực là cơ hội để các nhãn hàng lớn của 2 khu vực này thâm nhập vào thị trường Việt Nam cạnh tranh với tiềm lực và nhiều lợi thế hơn hàng dệt may trong nước.
Trước những cơ hội, khó khăn và thách thức của ngành dệt may, để tận dụng các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành…,các doanh nghiệp ngành dệt may phải tự vươn lên, thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo năng lực sản xuất, chú trọng nguồn nhân lực, yếu tố môi trường và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, bên cạnh thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới bán lẻ, đổi mới phương thức tiếp thị. Xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm may mặc phục vụ người dân.
Theo: Vietnam Credit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Dệt may Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-machinery-for-textile-apparel-and-eather-production_480#C