Tháng 7/2020 đạt 202,8 nghìn tấn, kim ngạch 245,3 triệu USD, tăng 48,8% về lượng, tăng 51,1% về kim ngạch so với tháng 6/2020; tăng 21,5% về lượng và tăng 5,2% về kim ngạch so với tháng 7/2019. Đây là tháng có lượng cao su xuất khẩu cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Mặc dù có sự tăng trưởng trong xuất khẩu cao su 2 tháng gần đây, tuy vậy, trước nhu cầu cao su trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào trong đó có mặt hàng cao su tự nhiên. Do vậy, trong thời gian tới giá cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam khó có thể phục hồi như trước giai đoạn đại dịch Covid-19.
Biến động thị trường cao su thế giới tháng qua
Theo Ban thư ký của Nhóm Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), công bố dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ, thương mại và giá cả bao gồm cả cao su tự nhiên (NR) và cao su tổng hợp (SR), ước tính nhu cầu cao su toàn cầu giảm mạnh khoảng 12,6% trong năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, đạt 25,2 triệu tấn, chủ yếu là do đại dịch toàn cầu.
Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của các quốc gia trong đó bao gồm chính sách giãn cách xã hội, đóng cửa các nhà máy và doanh nghiệp bán lẻ và hạn chế dòng lao động và hàng hóa là những yếu tố chính tác động đến xu hướng giảm nhu cầu cao su năm 2020. Theo kịch bản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhu cầu cao su toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2021 (7,9%) nhờ sự phục hồi của lĩnh vực săm lốp (6,9%) và tăng trưởng trong lĩnh vực không săm lốp (9,3%).
Nhu cầu NR trên thế giới đã giảm 1% trong năm 2019 xuống còn 13,62 triệu tấn. Theo kịch bản của IMF, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm 11% vào năm 2020, đạt 12,12 triệu tấn.
Nhu cầu SR thế giới đã giảm 1% trong năm 2019 (15,18 triệu tấn). Theo kịch bản của IMF, tăng trưởng nhu cầu dự kiến sẽ giảm 14% vào năm 2020, đạt 13,06 triệu tấn. Nhu cầu SR được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn một chút (8%) so với tăng trưởng nhu cầu NR (7,8%) vào năm 2021.
Tình hình xuất khẩu mặt hàng cao su của Việt Nam tháng 7/2020
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên, từ tháng 5 trở lại đây, xuất khẩu mặt hàng này đã phục hồi trở lại và tăng trưởng liên tục, đặc biệt, xuất khẩu tăng vọt trong tháng 7/2020 – là mức xuất khẩu cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 7/2020 đạt 202,8 nghìn tấn, kim ngạch 245,3 triệu USD, tăng 48,8% về lượng, tăng 51,1% về kim ngạch so với tháng 6/2020; tăng 21,5% về lượng và tăng 5,2% về kim ngạch so với tháng 7/2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 684,8 nghìn tấn, kim ngạch trên 883,6 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 17,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cao su trong tháng 7/2020 đạt 1.209,3 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 6/2020, nhưng vẫn giảm 13,4% so với tháng 7/2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cao su của Việt Nam đạt 1.290,5 USD/tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 7/2020, Việt Nam xuất khẩu cao su nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83,7% tổng lượng cao su xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu cao su sang thị trường này tiếp tục tăng trong tháng 7/2020, với lượng xuất khẩu đạt 169,7 nghìn tấn, kim ngạch 203,5 triệu USD, tăng 55,7% về lượng và tăng 59,1% về kim ngạch so với tháng 6/2020, tăng 52,4% về lượng và tăng 33% về kim ngạch so với tháng 7/2019.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh trong tháng 7/2020 so với tháng 6/2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Pakistan tăng 473,3% về lượng và tăng 480,8% về kim ngạch; Tây Ban Nha tăng 118,8% về lượng và tăng 126,8% về kim ngạch; Bỉ tăng 4.395% về lượng và tăng 3.142,1% về kim ngạch…
Nhìn chung trong 7 tháng đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu cao su của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ giảm 58,2% về lượng, Hàn Quốc giảm 37,8%, Đài Loan giảm 10,2%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 15,5%. Riêng thị trường Trung Quốc, do xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng trong những tháng gần đây đã khiến lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này tăng 2,3% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Dự báo trong ngắn hạn, thương mại cao su có thể được phục hồi do các nước trên thế giới đang dần dỡ bỏ những chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội. Các hoạt động từ sản xuất đến lưu thông được dần khôi phục.
Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế từ chính phủ các nước bước đầu phát huy hiệu quả và ngăn chặn thành công sự bùng phát của dịch Covid-19. Triển vọng ngắn hạn của thị trường cao su có thể khả quan khi chính phủ các nước chuyển hướng từ tập trung chống dịch Covid-19 sang nỗ lực khôi phục kinh tế.
Ngoài ra, việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu, từ đó tác động tích cực đến ngành cao su.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), ngành cao su đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi. Sau khi giảm 15% trong tháng 5/2020, 5,3% tháng 6/2020; tiêu thụ cao su toàn cầu quý III/2020 được dự báo sẽ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019 và ước tính sẽ chuyển hướng tăng từ tháng 7/2020.
Tuy nhiên, giá cao su chưa có dấu hiệu khả quan khi Trung Quốc dự báo GDP trong quý II/2020 tăng 3,2% và sản lượng công nghiệp tăng, song dấu hiệu nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu có thể vẫn giữ giá cao su ở mức như hiện nay.
Nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào trong đó có mặt hàng cao su tự nhiên. Do vậy, trong thời gian tới giá cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam khó có thể phục hồi như trước giai đoạn đại dịch Covid-19.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành cao su Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-rubber-tyres-and-tubes-retreading-and-rebuilding-of-rubber_335#C