Cuối tuần nào anh Nhuận (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng dành thời gian đi xem đất. Sau gần 1 tháng miệt mài đi săn lùng đất tại khu vực vùng ven Hà Nội, anh Nhuận mạnh dạn xuống tiền vào lô đất 80m2 tại xã Đồng Trúc, Thạch Thất (Hà Nội) với giá 1,6 tỷ đồng.
Dù phải vay tới 70% tiền từ ngân hàng nhưng theo anh Nhuận: “Phải có nợ thì mới có động lực làm việc”. Nhà đầu tư F0 này cho biết thêm, chính bản thân anh thấy “sốt ruột” khi bạn bè, người thân xung quanh đều bỏ tiền vào đất. Thấy người người, nhà nhà đều kiếm vài trăm triệu từ đầu tư khiến anh Nhuận nhận thấy, nếu không bỏ tiền vào bất động sản thì tiền càng để càng mất giá. Đây là lý do khiến anh Nhuận quyết định mạo hiểm mua lô đất tiền tỷ trong khi vốn tự có chỉ 30%.
Trong tâm lý “sợ bỏ lại phía sau” như anh Nhuận, chị Đào Hạnh (Hải Dương) vừa chuyển nhượng căn nhà trong khu phố trung tâm thành phố và bỏ tiền vào 2 lô đất vùng ven. Nghe theo lời khuyên từ những người thân đi trước, đã đầu tư bất động sản và có lời, chị Hạnh sau hơn 1 năm suy tính đã quyết định bán căn nhà đã gắn bó hơn 5 năm để chuyển tiền đầu tư vào bất động sản.
“Căn nhà của tôi đang ở sẽ rất khó tăng giá. Vì nằm trong khu phố xưa của thành phố. Dự án đi qua hay đường mở rộng cũng sẽ không có. Nếu bỏ tiền vào lô đất vùng ven thì cơ hội tăng giá sẽ tốt hơn vì cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi”, chị Đào Hạnh cho hay. Lý giải thêm về quyết định này chị Hạnh nói: “Tôi thấy nhiều người đầu tư đất đều có tiền lời. Tôi cũng muốn mạnh dạn đầu tư thử”.
Anh Nhuận và chị Đào là 2 trong số rất nhiều nhà đầu tư F0 đang mạnh dạn tham gia vào thị trường. Ngay cả khi giá bất động sản tăng mạnh trong khoảng thời gian kéo dài, thì tâm lý “sợ bị bỏ lại phía sau” đã khiến họ đưa ra quyết định mạo hiểm.
Theo các chuyên gia, trong một bối cảnh lo ngại lạm phát tăng cao trong khi giá bất động sản không có dấu hiệu chững lại đã khiến cho nhiều người rơi vào hội chứng FOMO (fear of missing out) – hội chứng “sợ bỏ lại phía sau”. Theo đó, người mắc hội chứng tâm lý này thường có cảm giác sợ mất cơ hội mà những người xung quanh, cùng hội cùng thuyền có được… Từ đó, họ có tâm lý rằng, phải tham gia, mua, sở hữu cho vật/cơ hội nếu không nó hết mất, lỡ cơ hội. Tuy nhiên, chính bởi tâm lý này mà đôi khi họ lại đưa ra quyết định sai lầm.
Cũng theo các chuyên gia, khi một tài sản đang gia tăng với tốc độ cao và tốc độ này tăng được duy trì trong một thời gian đủ dài để khiến mọi người cảm thấy bình thường thì sự tác động của tâm lý sợ lỗ có thể khiến họ suy nghĩ rằng, xu hướng tăng giá sẽ vẫn tiếp tục duy trì và nếu hôm nay họ không mua vào tài sản thì trong tương lai, khi giá tiếp tục tăng, họ sẽ phải mua tài sản với mức giá cao hơn.
Chính tâm lý sợ hối tiếc đã thúc đẩy mọi người đi đến quyết định mua. Khi lượng người đổ mạnh đầu tư vào bất động sản sẽ dần dẫn tới bong bóng bất động sản phình to. Trong trường hợp thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh, tâm lý FOMO này khiến nhà đầu tư chờ đợi vào sự hồi phục và khiến họ không sẵn sàng thừa nhận đã đầu tư ở đỉnh của bong bóng. Dĩ nhiên, khi thị trường sụp đổ, quyết định sai lầm của nhà đầu tư có thể bị trả giá.
Theo: Cafef