Trong những tháng cuối năm 2020, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực với giá xuất khẩu liên tục tăng lên mức cao trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường Philippin, Trung Quốc, Bangladesh hay Indonesia tăng trở lại trong khi nguồn cung trong nước cũng như tại nhiều quốc gia sản xuất gạo lớn như Ấn Độ, Bangladesh hay Thái Lan không còn nhiều do ảnh hưởng bởi thiên tai và bệnh dịch. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu cũng tác động tích cực đến thị trường gạo Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 351,5 nghìn tấn, trị giá gần 189 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 mặc dù giảm 3,3% về lượng nhưng vẫn tăng mạnh tới 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,7 triệu tấn, trị giá 2,83 triệu USD, giảm 2,9% về lượng nhưng tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 11/2020, giá xuất khẩu bình quân gạo tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với 537,5 USD/tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 11 tháng năm 2020, giá xuất khẩu gạo đạt trung bình 496 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường thế giới, tính đến tuần cuối tháng 11/2020 giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 495-500 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá chào bán 460-480 USD/tấn thời điểm đầu tháng 10/2020 và mức 440-450 USD/tấn trong ngày 31/7/2020 – thời điểm trước khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, đối với thị trường EU, nhờ cú huých của EVFTA, nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu của các doanh nghiệp như Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời… đã có giá từ 600 -1.000 USD/tấn. Sự bứt phá của giá gạo Việt Nam trong những tháng gần đây phần nào cho thấy giá trị gia tăng của gạo đã được cải thiện, chất lượng gạo Việt Nam đang tăng cao, được thế giới công nhận và đáp ứng được nhu cầu tại nhiều thị trường khó tính.
Trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với giá xuất khẩu được giữ ở mức cao nhờ thuận lợi về thị trƣờng tiêu thụ, đặc biệt là tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường EU. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh nguồn cung trong nước bị hạn chế do ảnh hưởng của hạn mặn cùng với mưa bão trong đợt vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa của bà con nông dân bị thiệt hại, dẫn tới sản lượng thu hoạch không cao. Bên cạnh đó, việc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng đang gây ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển gạo. Riêng trong năm 2020, dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2 triệu tấn, giảm 2,7% so với năm 2019.
Về thị trường xuất khẩu
Tính chung trong 11 tháng năm 2020, Philippin vẫn là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam, với khối lượng đạt hơn 1,94 triệu tấn, trị giá 910,2 triệu USD, giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng tới 22,8% về trị giá so với 11 tháng năm 2019, chiếm 32,2% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 2 với 752,3 nghìn tấn, trị giá 431,7 triệu USD, tăng mạnh tới 66,3% về lượng và tăng 91,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; thị trường này chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang thị trƣờng Malaysia và Gana cũng tăng lần lượt là 3,1% và 23,9% so với 11 tháng năm 2019, đạt 538,2 nghìn tấn và 506,5 nghìn tấn.
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 thì đa số thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao về trị giá, trong đó tăng cao ở một số thị trường như: Indonesia tăng 180,6% về trị giá; Australia tăng 58,2% về trị giá; Pháp tăng 101,2%; Tây Ban Nha tăng 144,1%…
Cơ cấu chủng loại:
Riêng trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo trắng, gạo giống Nhật của Việt Nam có xu hƣớng giảm trong khi các mặt hàng gạo khác lại tăng.
Cụ thể, khối lƣợng gạo trắng xuất khẩu giảm khá mạnh 17,9% so với 10 tháng năm 2019, đạt 2,63 triệu tấn. Tƣơng tự, lượng gạo giống Nhật và gạo đồ xuất khẩu cũng giảm 8,2% và giảm 75,5%.
Ngược lại, khối lượng gạo thơm xuất khẩu tăng 1,5%, đạt 1,72 triệu tấn; gạo nếp tăng 130,5%, đạt 837,43 nghìn tấn; đặc biệt nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng tăng tới 139,6%, đạt 73,05 nghìn tấn.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Gạo Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wholesale-of-rice-wheat-other-cereals-and-wheat-flour_682#G