Thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2021 đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương. Dự báo thời gian tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục trên đà phục hồi nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tình trạng sốt đất ảo được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thị trường bất động sản Việt Nam những tháng đầu năm 2021 đã phát đi tín hiệu tích cực của sự phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong giao dịch do tình trạng “sốt đất” xảy ra ở một số địa phương.
Theo số liệu mới nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường bất động sản cả nước trong quý I/2021 là 74.144 sản phẩm tăng 39,2%. Giao dịch đạt 31.733 sản phẩm tăng 315,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên so với quý IV/2020, lượng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường chỉ đạt 90,1%, giao dịch tăng 15,6%.
Kết quả khảo sát và những số liệu cụ thể cho thấy, căn hộ thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 71,2%, căn hộ cao cấp đạt tỉ lệ thấp nhất chỉ 24,3%.
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực tài chính, các dòng vốn đầu tư bất động sản năm 2021 được mở rộng hơn với việc thực thi các quy định mới được ban hành trong năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua là cơ hội tốt cho các hộ gia đình thuận lợi hơn trong việc mua nhà hay đầu tư.
Giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết năm 2020 tăng 27%, đến thời điểm cuối tháng 3/2021 tăng 31%. Thị trường đang đánh giá lĩnh vực BĐS và xây dựng tương đối khả quan.
Tất cả những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực vào đà phục hồi chung của thị trường BĐS sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn còn tồn tại trạng thái mất cân đối về cung – cầu BĐS nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình.
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 còn phân khúc văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Vấn đề về mặt pháp lý vẫn còn “điểm nghẽn” cần phải được tiếp tục tháo gỡ.
Tại thị trường BĐS Hà Nội, tổng sản phẩm chào bán trong quý I/2021 đạt 16.038 sản phẩm gồm 14.114 căn hộ và 1.924 nhà thấp tầng.
Giao dịch đạt 6.126/16.038 sản phẩm (gồm 3.734 căn hộ và 1.224 nhà thấp tầng).
Tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 38,2%.
So với quý I/2020, lượng căn hộ chào bán tăng 57,5%, giao dịch tăng 185,7%. Tuy nhiên con số này nếu so với quý IV/2020, lượng căn hộ chào bán chỉ đạt 77,8%, giao dịch đạt 92,5%.
Về tỉ lệ hấp thụ, diễn biến trên thị trường cho thấy nhà thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 63,6%, căn hộ cao cấp có tỉ lệ hấp thụ thấp, chỉ đạt 15,3%. So với quý IV/2020, giá bán căn hộ không có nhiều biến động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, sàn giao dịch bất động sản trong quý I/2021 không có nhiều căn hộ mới được chào bán. Giao dịch tương đối tốt, so với cùng kỳ năm 2020, lượng cung mới chào bán chỉ đạt 54,4%, tuy nhiên giao dịch tăng tới 40,5%. So với quý IV/2020, lượng cung chỉ đạt 36,1%, giao dịch chỉ đạt 38%.
Tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường TP. Hồ Chí Minh đạt 6.460 sản phẩm gồm 5.976 căn hộ và 484 nhà thấp tầng. Giao dịch đạt 3.487/6.460 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt gần 54%
So với cùng kỳ năm 2020, lượng căn hộ chào bán trên toàn thị trường chỉ đạt 70,9%, giao dịch tăng 128,7%. Lượng căn hộ chào bán trên thị trường và giao dịch chỉ đạt lần lượt 58,8% và 47% so với quý cuối năm 2020.
Tại thị trường BĐS lớn nhất cả nước này, căn hộ trung cấp là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 55,6%, căn hộ cao cấp và thấp tầng có tỉ lệ hấp thụ ở mức trung bình lần lượt là 53,7% và 54,5%.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất.
Theo ghi nhận tại một số địa phương, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong vòng từ 1 đến 2 tháng.
Trước tình trạng sốt đất nền xảy ra trong thời gian qua, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua – bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây sốt đất để trục lợi.
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng tiền tín dụng vào BĐS
Trước tình trạng sốt đất những tháng đầu năm nay, các chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng là phải kiểm soát chặt tín dụng để thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn.
Năm 2021, do vẫn ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN tiếp tục cho phép áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng ở mức 40% cho đến 30/9/2021 thay vì 30/9/2020. Cùng với đó, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp trước khó khăn bởi dịch bệnh.
Động thái này của NHNN rất kịp thời và phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lĩnh vực có nhiều rủi ro cũng được hưởng lợi, dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ như BĐS và chứng khoán.
Lãi suất cho vay ngân hàng đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Do thấy tiềm năng từ “lướt sóng” BĐS, bất chấp giá đất tăng, nguồn vốn hẹp, nhiều người vẫn tìm mọi cách để vay vốn từ ngân hàng để đầu tư BĐS.
Vì vậy, nhiều trường hợp, ngân hàng không trực tiếp cho vay BĐS, mà có thể cho vay cá nhân, rồi cá nhân dùng tiền để mua đất hoặc mua chứng khoán. Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý, trong đó có NHNN phải kiểm soát tín dụng. NHNN cũng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm sẽ hạn chế vốn đổ vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS và chứng khoán. Đây cũng là năm đầu tiên, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại kèm với việc kiểm soát theo quý. Quan điểm điều hành tín dụng của NHNN là phải đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế, khuyến khích cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, dự án BOT.
Sau hàng loạt chỉ đạo từ các bộ ngành, địa phương và cảnh báo về việc “siết” tín dụng vào BĐS, nhiều nơi đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo: Bộ Công Thương