Năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phục hồi ổn định và phát triển bởi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng. Hiện Việt Nam đang là điểm sáng để nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, do đó phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn sẽ được coi là kênh đầu tư tiềm năng lớn trong năm 2021. Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng có tín hiệu phục hồi tích cực.
Cùng với việc phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 và đà phục hồi chung của nền kinh tế, dự báo thị trường bất động sản năm 2021 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực và lạc quan. Lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 15 tỷ USD, lãi suất cho vay giảm xuống mức 5 – 6%/năm (thấp nhất trong vòng 15 năm qua) cũng hàng loạt chương trình bán hàng kích cầu là những yếu tố giúp thị trường BĐS tăng trưởng trong năm 2021.
Nguồn cung bất động sản tăng mạnh trong năm 2021, các dự án đang bị vướng mắc trong quy định pháp luật sẽ tiếp tục được tháo gỡ.
Tại Hà Nội và TP.HCM, hai thị trường bất động sản lớn nhất, cho thấy tại Hà Nội, ngay trong quý I và quý II/2021, dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm đa dạng các phân khúc sẽ được chào hàng thị trường. Trong đó khu vực phía bắc và tây Hà Nội sẽ chiếm tỉ trọng nhiều nhất.
Tại TP. Hồ Chí Minh, khảo sát cho thấy khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc sản phẩm. Điều này hứa hẹn một thị trường chất lượng hơn cho hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.
Về lực cầu, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại. Dự báo, sức cầu của nhóm này sẽ đạt 70% lực cầu năm 2019.
Kinh tế tăng trưởng tốt hơn, đồng nghĩa một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào thị trường bất động sản sẽ quay trở lại thị trường truyền thống của mình.
Năm 2021 khó có thể xảy ra nguy cơ bong bóng bất động sản vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được.
Bất động sản công nghiệp – kênh đầu tư ổn định, bền vững
Khác với các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, lãi suất ngân hàng… kênh đầu tư BĐS, cụ thể là BĐS công nghiệp đã thể hiện rõ sự ổn định và tính bền vững trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhờ tác động mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, cùng làn sóng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc sẽ giúp thị trường BĐS công nghiệp tại các tỉnh bứt phá mạnh mẽ (cả nguồn cung và cầu) trong năm 2021.
Nhu cầu về kho vận logistics cũng sẽ là cơ hội giúp thị trường BĐS công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới. Các khu công nghiệp lần lượt đổ bộ về vùng ven đã kéo theo hàng loạt dự án đô thị hình thành. Nếu như trước đây, các khu công nghiệp thường không có sự đồng bộ giữa sản xuất – sống xanh – giải trí thì nay nhu cầu đã thay đổi. Những dự án có sự đồng bộ bao gồm nơi sản xuất, nơi ở, y tế, giáo dục và các dịch vụ giải trí đi kèm trở thành lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư lẫn người mua ở thực.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực.
Năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động đáng kể của dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên nền kinh tế nước ta vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trong giai đoạn này nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Theo đó, chính phủ cũng đã cho phép mở lại hầu hết các hoạt động kinh doanh từ cuối năm 2020, đây được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng tại thị trường Việt Nam.
Cùng với khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực trong giai đoạn Quý III/2020, đặc biệt là Quý IV/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng, điển hình như tại các địa phương Quảng Ninh, Phú Quốc… Tại các thị trường này cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước, tỉ lệ hấp thụ các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với quý I và II.
Một số vấn đề cần lưu ý.
Trong năm 2020, để hỗ trợ thị trường hồi phục sau đại dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay.
Ngay trong tháng 1/2021, các NHTM tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng đi xuống, bình quân lãi vay dao động từ 5% – 10%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Tại thời điểm này, lãi suất huy động đang xuống ngày càng thấp, bởi các ngân hàng dư thừa thanh khoản, do đó ngân hàng không cần tăng lãi suất lên để huy động vốn.
Đây là điều tốt cho các doanh nghiệp vay vốn, bởi khi lãi suất huy động thấp thì lãi suất cho vay cũng giảm. Lãi suất cho vay giảm tạo ra những điều kiện để các doanh nghiệp có thể vay tiền dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng các đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào “bẫy nợ”, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao”,
Nền kinh tế Việt Nam chưa thể ổn định khi tình hình thế giới vẫn đang biến động bởi dịch bệnh, thị trường bất động sản vì thế chịu ảnh hưởng không nhỏ, kể cả sang năm 2021.
Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2020, tổng dư nợ tín dụng trên toàn TPHCM đã tăng lên ngưỡng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng tương đương 8% so với cuối năm 2019.
Trong đó, tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52,2%, tăng khoảng 9,1%; tín dụng ngắn hạn chiếm 47,78%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019.
Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2,25% tổng dư nợ tín dụng, đảm bảo được an toàn tín dụng.
Tuy nhiên, trong số 2,48 triệu tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng toàn thành phố, riêng dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản đã chiếm 13%, tương đương 293.750 tỷ đồng.
Trong đó, nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản TPHCM tăng lên gần 8.000 tỷ đồng.
Mặc dù nợ xấu tín dụng liên quan tới ngành bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng mức nợ xấu này tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay. Trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhất là để kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn, cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn. Trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.
Đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường bất động sản chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L