8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu phân bón các loại tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 do giá ở mức cao. Xu hướng giá cao được dự báo sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Thị trường phân bón thế giới và trong nước
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chi phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt gãy, dự báo giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ nay đến cuối năm 2021 vẫn duy trì ở mức cao.
Với phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng /kg); Phân DAP 64% nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 50% (từ
11.200 đồng /kg lên 16.800 đồng /kg); Phân Kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đ/kg lên 11.500 đồng/kg).
Với giá phân bón sản xuất trong nước: Phân urê (đạm Cà Mau): tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng /kg); Phân DAP (Đình Vũ ) tăng: 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng /kg); Phân NPK (Bình Điền): tăng 24,3% (loại NPK 16-16-8+13S từ8.000 đồng /kg lên 10.760 đồng /kg).
Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng mạnh là do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đã tăng mạnh, cụ thể giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng và container rỗng bị thiếu đã kéo theo giá cước vận tải tăng lên gấp 3-5 lần.
Về nguồn nhập khẩu, tổng lượng phân bón nhập khẩu đầu năm đến nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Phân kali và urê nhập khẩu vẫn tăng nhẹ trong khi lượng DAP nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn toàn cảnh từ nhu cầu tăng cao đến các yếu tố đầu vào sản xuất, vận chuyển thì giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng nóng và thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ tăng tại Việt Nam có thể ít và chậm hơn.
Tình hình xuất – nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021
Về xuất khẩu
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 8/2021 ước đạt 65 nghìn tấn, kim ngạch 26 triệu USD, giảm 58,8% về lượng và giảm 40,4% về kim ngạch so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam ước đạt 814 nghìn tấn, kim ngạch 290 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 43,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 75,8 nghìn tấn, kim ngạch 29,4 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 15,2% về kim ngạch so với tháng 6/2021; tăng 33,8% về lượng và tăng 74,4% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 513,2 nghìn tấn, kim ngạch 183,8 triệu USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 58,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại trong tháng 7/2021 đạt 387,8 USD/tấn, tăng 30,4% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại đạt 358,2 USD/tấn, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020.
7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu phân bón chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm 63,6% tổng lượng phân bón xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2020, với lượng xuất khẩu đạt 326,5 nghìn tấn, kim ngạch 121,3 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và tăng 83,5% về kim ngạch.
Ngoài ra, xuất khẩu phân bón các loại sang một số thị trường khác cũng tăng đáng kể trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 như xuất khẩu sang thị trường Philippin tăng 168,0% về lượng và tăng 180,1% về kim ngạch; Mozambique tăng 135,2% về lượng và tăng 287,3% về kim ngạch.
Về nhập khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam trong tháng 8/2021 ước đạt 350 nghìn tấn, kim ngạch 112 triệu USD, tăng 30,3% về lượng và tăng 90,4% về kim ngạch so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam ước đạt 3,18 triệu tấn, kim ngạch 915 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 41,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 501,1 nghìn tấn, kim ngạch 152,7 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 27% về kim ngạch so với tháng 6/2021; tăng 60,1% về lượng và tăng 112,3% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam đạt 2,71 triệu tấn, kim ngạch 763,77 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 41,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 304,8 USD/tấn, tăng 32,6% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại đạt 281,5 USD/tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiếm 46,3% tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường này tăng 29,6% về lượng và tăng 52,0% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài Trung Quốc, nhập khẩu phân bón các loại từ một số thị trường lớn khác cũng tăng trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nhập khẩu phân bón từ thị trường Indonesia tăng 416,7% về lượng và tăng 676,1% về kim ngạch; nhập khẩu từ thị trường Đài Loan tăng 106,2% về lượng và tăng 157,4% về kim ngạch… Trái lại, nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường Lào giảm 10,2% về lượng và giảm 13,1% về kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Theo: Cafef