Nối tiếp xu hướng tích cực, thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Điểm sáng lớn nhất là dòng tiền cải thiện đáng kể khi thanh khoản trong 4 phiên liên tiếp duy trì trên mức 15 nghìn tỷ đồng. Tâm lý nhà đầu tư dường như được “cởi trói” sau khi những thông tin tiêu cực thế giới được công bố. Nhiều kỳ vọng cho rằng thị trường có nhiều cơ hội phục hồi khi rủi ro vĩ mô đã được thẩm thấu đáng kể.
Thị trường đã tạo đáy?
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, để xác định xu hướng thị trường trong thời điểm hiện tại cần nhìn nhận ba yếu tố.
Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô, Fed đang duy trì chính sách tiền tệ khá mềm mỏng để cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và điều hành kinh tế. Chính sách tại Việt Nam luôn có độ trễ nhất định, song rất khó để lạm phát tăng mạnh vượt ngưỡng 8% và cũng rất khó để NHNN tăng lãi suất quá mạnh tay. Bởi với đặc thù riêng, Việt Nam không phải đối mặt với các chính sách “sốc” về tỷ giá.
Thứ hai, dòng tiền, chuyên gia cho rằng trong dòng tiền có một yếu tố nhiều người thường bỏ qua, đó là tương quan giữa dòng tiền vào thị trường và số lượng cổ phiếu. Khi số lượng cổ phiếu ít, chỉ lực đẩy nhỏ là có thể dễ dàng bứt phá mạnh mẽ. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội thị trường tốt trong 2 năm qua để phát hành cổ phiếu (tăng lượng hàng hóa), thì dù dòng tiền lên 10 nghìn tỷ/phiên – mức cao so với quá khứ vẫn không đủ để trở thành lực đẩy mạnh cho thị trường. Theo tính toán của ông Điệp, con số này phải đạt tối thiểu 18-20 nghìn tỷ/phiên. Bản chất tiền là công cụ để đầu tư, do đó dòng tiền sẽ luôn hướng đến các kênh đầu tư khác nhau. Trong đó, kênh đầu tư chứng khoán luôn được ưu tiên, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như BĐS, vàng đều đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Thứ ba, lợi suất, xét về tiềm năng mang lại cho cổ đông, cụ thể là sự tăng trưởng lợi nhuận có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có thị giá hấp dẫn. Không chỉ là định giá đơn thuần theo P/E, mà xét nhiều yếu tố cho thấy thị giá khó giảm sâu hơn nữa. Theo đó, nhiều cổ phiếu đã mất 40%-70% giá trị từ vùng đỉnh, điển hình là các nhóm chứng khoán, thép, bất động sản hay ngân hàng. Cùng lúc đó, P/E chung toàn thị trường đang ở mức 13x. Nếu so với cùng con số 1.200 của năm 2007 là 42x, năm 2018 là 25x. Như vậy cũng ở vùng điểm giống nhau, nhưng độ rẻ đắt là rất khác nhau.
Với những phân tích trên, ông Điệp cho rằng giai đoạn hiện nay là vùng đáy của thị trường và rủi ro đã phản ánh đáng kể vào thị giá. Dù có thể còn có những rung lắc song rất khó để khiến thị trường giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý chưa có yếu tố đủ lớn để có thể kéo dòng tiền trở lại mức 18 nghìn tỷ cho HoSE trong thời điểm này.
Bàn về kịch bản cho thị trường trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng VN-Index có thể sẽ có 1 nhịp retest nhanh, có thể xảy ra trong phiên ở vùng 1.225 điểm. Sau khi retest thành công, vùng kháng cự thực sự đầu tiên sẽ là vùng 1.265-1.280.
Theo đó, vùng này sẽ thử thách tính ổn định của dòng tiền, nếu thanh khoản giữ vững được trên 14 nghìn tỷ thì thị trường sẽ vượt qua dù có những nhịp rung lắc, song VN-Index có thể sẽ vượt qua. Nếu vĩ mô không xấu bất ngờ, khả năng kháng cự mạnh của chỉ số là vùng 1.340. Tại vùng này sẽ mất thời gian khá lâu, không loại trừ khả năng quay trở lại tích lũy vùng 1.280.
Về dự báo thị trường cuối năm, chuyên gia kỳ vọng những thông tin tốt sẽ đưa VN-Index đóng cửa năm ở 1.420-1.450 điểm.
Cần có chiến lược phù hợp
Tuy thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song giới chuyên gia vẫn cho rằng nhà đầu tư nên có chiến lược phù hợp. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh mua những nhóm cổ phiếu tốt để đón nhịp sóng ngắn hạn của thị trường trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn.
Đối với nhà đầu tư dài hạn vẫn cần theo sát diễn biến vĩ mô trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Vấn đề lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn là những thông tin quốc tế cần theo dõi. Đồng thời, trong nước cũng cần quan tâm đến việc kiểm soát cung tiền của NHNN và dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, cần lưu ý tỷ trọng nắm giữ cố phiếu không nên vượt quá 30% tổng tài sản và nếu gia tăng tỷ trọng nên quan sát giải ngân từng phần.
Đưa ra chiến lược đầu tư, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cũng cho rằng, hiện có rất nhiều nhà đầu tư kẹp hàng mong muốn thị trường hồi phục để sớm gỡ lỗ. Trong ngắn hạn, ông Khánh cũng cho rằng sẽ có nhịp hồi kỹ thuật và là cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn và đang bị kẹp hàng quá nhiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan sát thật kỹ và không nên giải ngân vội vàng vì tâm lý hưng phấn quá đà rất dễ dính bẫy Bull-trap. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân khi thị trường có những điều kiện đi kèm, đơn cử như vùng hỗ trợ được giữ vững và thanh khoản được duy trì.
“Thời điểm “nhắm mắt mua bừa cũng trúng” đã đi qua, nhà đầu tư cần có sự phân tích và chọn lọc kỹ lưỡng hơn. Những mã có mức độ giảm sâu trong thời gian qua là có cơ hội “lướt sóng” khá tốt dù không thể kỳ vọng tăng quá mạnh. Bởi thông thường những mã giảm mạnh nhất là sẽ có cơ kiếm lợi nhuận tốt khi thị trường phục hồi. Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cần thận trọng với những cổ phiếu tăng ngược dòng thị trường thời gian qua vì có thể sẽ gặp áp lực chốt lời lớn”, ông Phanh Dũng Khánh đưa ra lời khuyên.
Theo: Cafef