Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) vẫn khá trầm lắng trong năm 2020, thì ngành chứng khoán “chói sáng”, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi kênh đầu tư này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư mới rót tiền. Nhưng năm 2021 liệu sẽ ra sao?
Chứng khoán vẫn đi lên?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) mở cửa trở lại và dòng tiền tiếp tục ồ ạt đổ vào, giúp chỉ số VN-Index gần như lấy lại điểm số đã mất trong đợt điều chỉnh mạnh trước Tết. Dù thanh khoản không còn những phiên kỷ lục như hồi tháng 1, nhưng với dòng tiền luân chuyển linh hoạt và lực cung giảm bớt cũng đủ giúp nhiều mã cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ trong những phiên gần đây.
Điều quan trọng là với chính sách tiền tệ được nới lỏng và triển vọng nâng hạng thị trường, các nhà đầu tư kỳ vọng những “chất xúc tác” này sẽ tiếp tục đẩy chỉ số VN-Index lên cao và có thể vượt qua mức kỷ lục cũ quanh 1.200 điểm. Một khi vùng kháng cự này được chinh phục, thị trường có thể tiếp tục bứt phá và thu hút thêm dòng tiền mới.
Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhiều chuyên gia phân tích dự báo sẽ quay trở lại trong năm nay, sau khi đã có giai đoạn bán ròng kỷ lục trong năm ngoái. Thống kê cho thấy từ cuối tháng 1 đến nay, khối ngoại đã mua ròng trở lại, trong đó có những phiên mua ròng khá lớn, như phiên ngày 29/1 và 3/2 mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên HoSE, phiên 17/2 mua ròng 700 tỷ đồng, phiên 18/2 mua ròng 618 tỷ đồng.
BĐS sẽ hút dòng tiền
Đáng lưu ý là thị trường BĐS khi diễn biến khá trầm lắng trong năm ngoái, năm nay cũng được dự báo sẽ khởi sắc hơn. Thứ nhất là với hàng loạt công trình hạ tầng được triển khai xây dựng, từ sân bay Long Thành, đến cao tốc Bắc – Nam, rồi việc thành lập thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc, thị trường nhà đất tại các khu vực này có thể tiếp tục “sốt”. Thứ hai là với mặt bằng lãi suất thấp như thời gian qua sẽ kích thích nhu cầu vay vốn mua nhà, đầu tư vào BĐS. Thời gian qua, khá nhiều ngân hàng triển khai các gói cho vay nhà ở với lãi suất thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và đã thu hút một bộ phận mua nhà để ở lẫn để đầu tư, với kỳ vọng tốc độ tăng giá của BĐS sẽ nhanh hơn và bù đắp được mức lãi suất vay đang ở mức thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK có những ảnh hưởng tích cực lên thị trường BĐS, khi hai kênh đầu tư này được xem như bình thông nhau. Quá khứ từng cho thấy, khi các nhà đầu tư “kiếm đậm” trên TTCK thì họ thường chốt lời và rót một phần lợi nhuận vào nhà đất để đa dạng hóa tài sản đầu tư, cũng như để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, với lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp, dòng tiền nếu có rút ra khỏi chứng khoán sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác như BĐS chứ khó có thể vào lại ngân hàng.
Thêm nữa, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ vẫn tích cực trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đều muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường BĐS khu công nghiệp lẫn BĐS thương mại đều được hưởng lợi, khi mà việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất này sẽ kéo theo một đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao của nước ngoài vào Việt Nam.
Với việc đối phó dịch Covid-19 khá thành công trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành một điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với chính sách cho người nước ngoài mua nhà đã được nới lỏng đáng kể trong thời gian qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tháo gỡ trong giai đoạn tới, nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng và tác động tích cực lên thị trường BĐS.
Theo: doanhnhansaigon
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Chứng khoán tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/security-and-commodity-contracts-brokerage_1072#K
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L