Trong tháng 7/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với kim ngạch ước đạt 45 tỷ USD, tăng 4% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 6/2020 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2019; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu giảm 2,9%, đạt 139,33 tỷ USD. Như vậy, sau 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, với mức thặng dư thương mại lên tới 1 tỷ USD trong tháng 7/2020, Việt Nam đã xuất siêu 6,46 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức 1,98 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
1.Về xuất khẩu:
Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là động lực chính cho xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7/2020 với kim ngạch ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ước đạt 50,77 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 95,02 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm này tăng 1,4% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 14,49 tỷ USD.
So với tháng 7/2019, ngoại trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 0,8% thì các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 9,9% so với tháng 7/2019, đạt 2,01 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm ở hầu hết các mặt hàng như: Thủy sản giảm 1,3%, rau quả giảm 1,8%, hạt điều giảm 23,3%, cà phê giảm 12,3%, hạt tiêu giảm 16,3%, gạo giảm 29,7%. Ngoài ra, mặt hàng chè tăng 3,2% về lượng song giảm 15,5% về trị giá; tương tự, xuất khẩu cao su tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 6,9% về trị giá. Trong khi đó, sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng duy nhất trong nhóm này ghi nhận sự tăng trưởng, tăng 13,5% về lượng và 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có giá giảm so với tháng 7/2019 như: Hạt điều giảm 13,1%, chè giảm 9,9%, hạt tiêu giảm 15%, cao su giảm 6,1%…
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm mạnh 50,8% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 171 triệu USD trong tháng 7/2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô – mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm này giảm 43,2%, đạt 93 triệu USD. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 60%, xăng các loại giảm 68,4%.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,5%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 30,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,7%, sắt thép các loại tăng 17,8%…
Mặc dù vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các đơn hàng sụt giảm bởi dịch Covid-19 như: Điện thoại các loại giảm 7,1% so với tháng 7/2019, hàng dệt may giảm 8,9%, giày dép các loại giảm 13,6%, phương tiện vận tải phụ tùng giảm 17,5%, xơ, sợi dệt các loại giảm 22,2%, túi xách, vali, mũ, ô dù giảm 11%…
Kết quả trong tháng 7/2020 cũng đã phản ánh xu hướng chung của tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 5,4% so với 7 tháng năm 2019, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 36,6%, tuy nhiên nhóm hàng công nghiệp chế biến lại tăng nhẹ 0,8%.
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, đà tăng trưởng ấn tượng của hai mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 24,3%) và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 27,1%) đã phần nào bù lại sự sụt giảm của các mặt hàng chủ lực khác trong nhóm này như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,6%, hàng dệt may giảm 12,1%, giày dép các loại giảm 7,9%…
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, thủy sản cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Thủy sản giảm 6,4%, rau quả giảm 12,3%, hạt tiêu giảm 20,6%, cao su giảm 20,3%.
2.Về nhập khẩu:
Tháng 7/2020, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 6,2% so với tháng 6/2020 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 10,2 tỷ USD; qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong 7 tháng đầu năm 2020 lên mức 61,86 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 3,6% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của nhóm này giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 7/2020, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng trong nhóm hàng cần nhập khẩu tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 4,6% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019; điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,9% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2019; vải các loại tăng 3,6% so với tháng trước nhưng giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,1% so với tháng 6/2020 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 32,56 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng khác lại sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 4%, điện thoại các loại giảm 2,4%, vải các loại giảm 14,9%, sắt thép các loại giảm 14,1%, chất dẻo nguyên liệu giảm 12,4%…
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm khá mạnh 17,9% trong 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, nhập khẩu rau quả giảm 37,7%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 24,4%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm mạnh 47,5% về lượng và 48,8% về kim ngạch…
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành xuất nhập khẩu Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-remaining-business-support-service-activities-n-e-c-_1229#N