Sau khi ghi nhận mức giảm liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi trở lại trong tháng 10/2021. Theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2021 đạt 780 triệu USD, tăng 11,2% so với tháng 9/2021, nhưng giảm 39,2% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,89 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021 đạt 701 triệu USD, giảm 39,5% so với tháng 9/2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 422 triệu USD, giảm 54,8% so với tháng 9/2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại: Tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hầu hết chủng loại gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm mạnh trong tháng 9/2021, trừ gỗ, ván và ván sàn, dăm gỗ. Trong đó, giảm mạnh nhất là kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ, đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất phòng khách, phòng ăn.
Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hầu hết chủng loại gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ mặt hàng gỗ mỹ nghệ giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, ghế khung gỗ là chủng loại sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,68 tỷ USD; xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tăng 48,5%, đạt 1,39 tỷ USD. Các chủng loại sản phẩm có mức tăng trưởng cao tiếp theo gồm: đồ nội thất nhà bếp; khung gương; đồ nội thất phòng khác, phòng ăn; đồ nội thất văn phòng…
Về thị trường: Tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Philippine, Thụy Sỹ, Nga tăng. Bên cạnh
đó, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm, nhưng xuất khẩu sang một số thị trường trong khối như: Italia, Thụy Điển, Rumani, Hy Lạp, Bungari và Slovennia tăng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái “bình thường mới”, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo khảo sát được các hội và hiệp hội ngành gỗ thực hiện từ ngày 10/10 đến ngày 21/10, chỉ 8,3% số doanh nghiệp dừng hoạt động, 56% doanh nghiệp cho biết đã áp dụng nhiều hình thức khác nhau để duy trì hoạt động. Về lượng lao động, các doanh nghiệp khảo sát cho biết trước và sau giãn cách giảm 18%; trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn nơi dịch bùng phát mạnh có lượng lao động giảm mạnh nhất, giảm 42,9%; Bình Dương giảm 38,3%; Đồng Nai giảm 28,4% và Hà Nội giảm 9,1%. Về công suất hoạt động, 67% doanh nghiệp đang hoạt động trên 70% công suất; 20% doanh nghiệp đang hoạt động từ 50-70% công suất và 13% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất.
Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, 46% số doanh nghiệp cho biết doanh thu sẽ không đổi, 37% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng, chỉ khoảng 37% doanh nghiệp dự kiến doanh thu sẽ giảm.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã quay trở lại sản xuất với công suất đạt từ 70-80%. Do đó, nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi mạnh trong 2 tháng cuối năm 2021 nhằm đáp ứng đơn hàng cao dịp cuối năm.
Theo: Bộ Công Thương