10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 104 nghìn tấn, kim ngạch 174 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 3,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Irắc ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 76,2% về lượng và tăng 87,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu chè của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng thời gian tới nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn. Ngoài ra, những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… cũng mang lại thuận lợi cho ngành chè
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 10,2 nghìn tấn, kim ngạch 17,11 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 11,6% về kim ngạch so với tháng 8/2021; nhưng giảm 10,2% về lượng và giảm 7,8% về kim ngạch so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 83 nghìn tấn, kim ngạch 137,7 triệu USD, giảm 0,5% về lượng nhưng tăng 3,8 về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 8/2021 và tăng 2,7% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè đạt 1.658,5 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2021, Pakixtan, Đài Loan và Nga là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 62,2% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu chè sang thị trường Pakixtan giảm 4,1% về lượng và giảm 1,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan tăng 10,5% về lượng và tăng 8,9% về kim ngạch; xuất khẩu chè sang thị trường Nga giảm 12,2% về lượng và giảm 6,3% về kim ngạch.
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng không đồng đều so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường giảm như Nga, Indonesia, Ấn Độ, UAE, Ả Rập Xê út,… tuy vậy, xuất khẩu chè sang một số thị trường vẫn tăng mạnh như Trung Quốc tăng 30,5% về lượng và tăng 43,3% về kim ngạch; Irắc tăng 76,2% về lượng và tăng 87,5% về kim ngạch; Mỹ tăng 10,5% về lượng và tăng 17,4% về kim ngạch…
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ chè tại các thị trường này tăng mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt Ấn Độ vừa là thị trường tiêu thụ lớn vừa là thị trường xuất khẩu chính, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 khu vực trồng chè chính của Ấn Độ không có lao động thu hái bởi lệnh giãn cách xã hội, cộng thêm hạn hán khiến sản lượng chè tại Ấn Độ giảm mạnh. Đó là lý do khiến Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu chè để tiêu thụ và tái xuất khẩu.
Theo Hội đồng chè Ấn Độ, thời gian qua thu hoạch chè của Ấn Độ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thời tiết hạn hán khắc nghiệt đang diễn ra tại nhiều đồn điền chè của Ấn Độ. Ít nhất 90 vườn chè ở Assam đã ngừng hoạt động bởi lệnh giãn cách, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, để tránh lây lan sang thêm 800 đồn điền của khu vực này. Đây là khu vực sản xuất chè lớn của Ấn Độ.
Tiếp đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2021, trong 3 tháng cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan. Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Theo: Bộ Công Thương