4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 9,506 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở thời điểm hiện đại, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí là hết năm đã dự báo mở ra triển vọng tốt cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021. Theo nhận định, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam trong tháng 3/2021 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 49,6% so với tháng 02/2021 và tăng 16,3% so với tháng 3/2020. Tính chung trong quý đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 7,205 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý I/2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường vẫn giảm ở nhiều thị trường chủ lực, tuy vậy, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ vẫn tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020, tạt 3,512 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường khu vực EU tăng 3,1% trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020, tuy vậy, xuất khẩu sang nhiều thị trường thuộc khu vực này tăng mạnh trong quý I/2021 như Lucxembua tăng 320,5%; CH Séc tăng 165,4%; Phần Lan tăng 101,9%…
Triển vọng tăng trưởng ngành dệt may rất tích cực
Sau thời kỳ kinh tế toàn cầu khá ảm đạm và bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, thị trường dệt may toàn cầu có sự hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và các thông tin tích cực về vaccine. Do đó, nhu cầu hàng hóa nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại. Việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước cạnh tranh với Việt Nam và đặc biệt từ Myanmar cũng giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Ở thời điểm hiện đại, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí là hết năm đã dự báo mở ra triển vọng tốt cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021.
Theo nhận định, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm 2021, nhận định dựa trên các cơ sở:
+ Tăng trưởng trong xuất khẩu hàng dệt may quý I/2021 đang tạo đà cho ngành dệt may bứt phá trong quý tới.
+ Vắc-xin Covid-19 đang được triển khai tiêm tại nhiều quốc gia tiêu thụ lớn hàng dệt may. Nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và người tiêu dùng ở các quốc gia sau hơn một năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng tới 6,3% trong quý I/2021 là cơ sở để các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng lên trong thời gian tới với chương trình hỗ trợ rất lớn của nước này cho các doanh nghiệp và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD sẽ kích cầu tiêu dùng rất đáng kể với nhiều nhóm hàng hóa, trong đó có dệt may.
Tuy vậy, qua một năm nền kinh tế toàn cầu phải chịu tác động của đại dịch và lệnh đóng cửa, thế giới đã hoạt động trở lại theo cách thức mới. Theo đó, xu thế tiêu dùng các mặt hàng may mặc không còn như trước, đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến để tiếp nhận đơn hàng, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu.
Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng này sẽ có sự phục hồi nhất định, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp vẫn tập trung vào các đơn hàng quần áo cơ bản để có doanh thu, chuẩn bị tốt cho thời điểm thị trường có những đơn hàng lớn.
Theo: Bộ Công Thương