Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu mặt hàng phân bón các loại trong tháng 01/2021 ước đạt 85 nghìn tấn, kim ngạch 26 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 3,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 80,9% về lượng và tăng 95,5% về kim ngạch so với tháng 01/2020. Nhập khẩu phân bón các loại tháng 01/2021 đạt 300 nghìn tấn, kim ngạch 74 triệu USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 22,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 11% về lượng và tăng 12,7% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Diễn biến thị trường phân bón năm 2020 và dự báo năm 2021
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra tất cả các quốc gia trên thế giới (kể cả Việt Nam) đặt vấn đề dự phòng lương thực lên hàng đầu. Do vậy, tất cả các nước đều thu gom lúa gạo làm giá lúa gạo tăng cao, nông dân đẩy mạnh sản xuất canh tác nông nghiệp, kéo tăng nhu cầu về phân bón.
Bên cạnh đó, trong năm 2020 lần đầu tiên thế giới có mặt bằng giá dầu thấp kỷ lục. Ngành sản xuất phân bón hưởng lợi từ giá khí (nguyên liệu đầu vào) giảm nên chi phí sản xuất thấp, giúp cho các nhà máy phân bón có được hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Điển hình là các doanh nghiệp sản xuất Ure như Đạm Phú Mỹ và Phân bón Cà Mau.
Năm 2020, Đạm Phú Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất phân bón đạt 868.000 tấn, vượt 11% kế hoạch năm và sản lượng tiêu thụ ước đạt 807.000 tấn, vượt 3% kế hoạch.
Doanh nghiệp sản xuất phân bón Cà Mau (DCM) năm 2020 sản xuất đạt 923 nghìn tấn phân bón, đạt công suất 115%. DCM đã củng cố các hệ thống phân phối thị trường chủ lực Tây Nam bộ và kế đến là Campuchia. Đây cũng là một năm kỷ lục của DCM khi xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia đạt 160 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với mức xuất khẩu những năm trước đó. Hiện thị phần phân bón của DCM tại Campuchia chiếm khoảng 55-60%
Năm 2020 theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất phân bón của Việt Nam tăng so với năm 2019 ở cả chủng loại phân bón Ure và NPK, trong đó, sản xuất phân bón Ure đạt 2,43 triệu tấn, tăng 5,7% so với năm 2019; sản xuất phân bón NPK đạt 2,93 triệu tấn, tăng 4,1%. Có được kết quả trên là do nhu cầu phân bón thị trường nội địa tăng cao, cùng với đó, năm 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào ngành sản xuất phân bón khiến công suất sản xuất phân bón tăng lên.
Nhận định thị trường phân bón năm 2021
Về sản xuất: Năm 2021, với dự báo tình hình thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Theo thông tin từ AgroMonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng đáng kể, đặc biệt là phân DAP tăng 12%, phân lân tăng 8,7% và phân NPK tăng 4,6%. Tiêu thụ phân Urê dự báo tăng 0,5%, phân Kali tăng 2,4% và phân bón khác tăng 10,3%. Giá gạo thế giới năm 2021 dự kiến đạt mức trung bình 498 USD/tấn, cao hơn 21,8% so với mức trung bình 5 năm từ 2016 – 2020, sẽ góp phần khiến nhu cầu sử dụng phân bón gia tăng, bởi đây là loại cây trồng có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu phân bón Việt Nam.
Dự báo tổng nhu cầu phân bón năm 2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục khoảng 4 – 6% so với năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các chủng loại khác như phân lân, phân bón hữu cơ.
Về xuất – nhập khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu mặt hàng phân bón các loại trong tháng 01/2021 ước đạt 85 nghìn tấn, kim ngạch 26 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 3,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 80,9% về lượng và tăng 95,5% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Nhập khẩu phân bón các loại tháng 01/2021 đạt 300 nghìn tấn, kim ngạch 74 triệu USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 22,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 11% về lượng và tăng 12,7% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Tình hình xuất – nhập khẩu phân bón các loại năm 2020
Về xuất khẩu
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam năm 2020 đạt 1,162 triệu tấn, kim ngạch 340,56 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và tăng 27,1% về kim ngạch so với năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại trong năm 2020 đạt 292,9 USD/tấn, giảm 9,1% so với năm 2019.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu phân bón các loại chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm 36,2% tổng lượng phân bón xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường còn lại dao động trong khoảng từ 1% đến 8%. Lượng phân bón xuất khẩu sang thị trường Campuchia năm 2020 đạt 421,5 nghìn tấn, kim ngạch 131,4 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với năm 2019.
Nhìn chung, xuất khẩu phân bón các loại sang nhiều thị trường trong năm 2020 tăng, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Angola tăng mạnh nhất, tăng 1.047,9% về lượng và tăng 336,1% về kim ngạch; tiêp đến là thị trường Đài Loan, tăng 311% về lượng và tăng 275,1% về kim ngạch.
Về nhập khẩu:
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam năm 2020 đạt 3,803 triệu tấn, kim ngạch 951,5 triệu USD, tăng 0,1% về lượng nhưng giảm 9,2% về kim ngạch so với năm 2019.
Năm 2020, giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại đạt 250 USD/tấn, giảm 9,3% so với năm 2019.
Năm 2020, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất phân bón cho Việt Nam, chiếm 41,7% tổng lượng phân bón nhập khẩu, nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng 3,8% về lượng nhưng giảm 3,3% về kim ngạch so với năm 2019.
Nhìn chung, năm 2020, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam tăng ở nhiều thị trường, trong đó, nhập khẩu tăng mạnh nhất từ thị trường Canada, tăng 104,4% về lượng và tăng 62,2% về kim ngạch so với năm 2019; Đức tăng 132,8% về lượng và tăng 67,3% về kim ngạch…
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Phân bón Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-fertilizers-and-nitrogen-compounds_309#C