Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên tăng điểm nhẹ, tuy nhiên lực bán tăng khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và thiếu dòng tiền thúc đẩy thị trường trong ngắn hạn là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá mạnh.
Thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2020 của nhiều doanh nghiệp đang dần được công bố, khiến xu hướng dòng tiền phân hóa mạnh và nghiêng về nhóm cổ phiếu midcap có kết quả kinh doanh khả quan. Cơ cấu dòng tiền cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, chiếm tỷ trọng 22,3% toàn thị trường, tiếp theo là các nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng (20,6%), thực phẩm (11,2%) và nhóm cổ phiếu Vingroup (7,1%).
Thực tế cho thấy, rủi ro địa chính trị đang hiện hữu trên toàn thế giới, trong khi tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Kinh tế vĩ mô quý III/2020 có thể khởi sắc hơn so với quý II, nhưng còn xa mới được gọi là “phục hồi giai đoạn hậu Covid”.
Tuy nhiên, một số tín hiệu phục hồi từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, da giầy cũng giúp mang lại sự tự tin trong quý III/2020, với các chỉ tiêu kinh tế được cải thiện.
Trong ngắn hạn, giai đoạn điều chỉnh chưa kết thúc vì thông tin tiêu cực nhiều hơn và đang ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, khiến dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài thị trường quan sát. Dù thị trường điều chỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là không có cơ hội cho các nhà đầu tư, đến từ số ít cổ phiếu đang có kết quả kinh doanh nửa đầu năm khởi sắc. Hơn nữa, việc chọn cổ phiếu vẫn quan trọng hơn so với sự tăng, giảm của các chỉ số. Sự thay đổi tâm lý thị trường có thể đến từ những chuyển biến tiêu cực của các yếu tố ngoại biên và khi tâm lý hưng phấn không còn được duy trì, thị trường có thể chứng kiến sự rút lui của dòng tiền ngắn hạn mang tính đầu cơ.
Với yếu tố rủi ro ngoại biên gia tăng, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn. Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên thận trọng, thu hẹp danh mục và chỉ tập trung vào những cổ phiếu với nền hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế… Gợi ý về nhóm cổ phiếu tiềm năng, khuyến nghị nhà đầu tư chú ý tới nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, thép, xi măng với câu chuyện đầu tư công; nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may với Hiệp định EVFTA; nhóm ngành năng lượng với việc nhu cầu năng lượng ở mức cao…
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2020, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cổ phiếu của các ngân hàng có nền tảng tốt, có khả năng năng trưởng và có mức định giá hợp lý.
- Với MBB, thu nhập dự báo được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020 nhờ sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng, việc tiếp tục mở rộng cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng và tốc độ bán bảo hiểm tốt hơn.
Giá mục tiêu năm 2020 là 26.200 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/B (giá/giá trị sổ sách) mục tiêu 2020 là 1,2 lần.
- Với ACB, dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt 12% trong năm 2020 và NIM (biên lãi dòng) dự kiến sẽ mất 7 điểm cơ bản so với năm 2019 do cắt giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, NIM có thể cải thiện 3-7 điểm cơ bản trong năm 2021-2022 nhờ cải thiện tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
VNDirect tiếp tục khuyến nghị khả quan đối với ACB, giá mục tiêu năm 2020 là 28.500 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/B mục tiêu 2020 là 1,3 lần.
- Tương tự, lợi nhuận ròng của TCB được dự báo sẽ tăng 6,4% trong năm 2020. Với tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12,2% cho năm 2020 do đại dịch làm giảm nhu cầu mua nhà, trong khi các khoản cho vay mua nhà hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của TCB.
Dù vậy, VNDirect vẫn đưa giá mục tiêu khả quan, ở mức 27.400 đồng dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 13,7%; tăng trưởng dài hạn: 4%) và P/B mục tiêu 2020 là 1,2 lần.
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2020 của Vụ Dự báo – Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tại toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam với tỷ lệ trả lời đạt 96% cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2020 tiếp tục được đánh giá suy giảm hơn (26,4% TCTD nhận định “suy giảm” so với 16,4% TCTD có cùng đánh giá tại kỳ trước).
Tỷ lệ TCTD nhận định “kết quả hoạt động kinh doanh trong quý này cải thiện hơn so với quý trước” giảm mạnh từ mức 65,7% tại thời điểm tháng 12/2019 và 47% tại thời điểm tháng 3/2020, xuống mức 32% tại kỳ điều tra này.
Tuy nhiên, có 54,3% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2020 cải thiện tốt hơn so với quý II/2020, bên cạnh 15,3% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.
Kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng của các TCTD ghi nhận tại cuộc điều tra trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng thu nhập lãi và dịch vụ của các ngân hàng nhìn chung sẽ chậm lại so với các năm trước khi chính sách giãn, hoãn, gia hạn thời hạn trả nợ có thể ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng (chưa được ghi nhận khi chưa đến kỳ thu lãi); đồng thời, quy mô cho vay giảm khiến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản đã chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý II/2020.
Như vậy, sau giai đoạn 2017-2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành/doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Chứng khoán Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/security-and-commodity-contracts-brokerage_1072#K