Số liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 12/2020 và năm 2020 đạt kết quả cao hơn dự kiến, với tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12/2020 đạt hơn 27,6 tỷ USD tăng 9,6% so với tháng 11/2020. Qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2020 lên 282,65 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019.
Trong đó, Việt Nam có 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện với kim ngạch 51,2 tỷ USD, giảm 0,4% so với năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,6 tỷ USD, tăng 24,1%; dệt may đạt 29,8 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27,2 tỷ USD, tăng 48,6%; giày dép đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8,3%; gỗ và sản phẩm đạt 12,4 tỷ USD, tăng 16,2%.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 12/2020 đạt 27,9 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2020, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2020 lên 262,7 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch gần 64 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2019.
Như vậy, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn thiết lập kỷ lục mới với con số hơn 545 tỷ USD, tăng khoảng 28 tỷ USD so với kết quả của năm 2019. Đặc biệt, năm 2020 cũng ghi nhận con số xuất siêu kỷ lục 19,95 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 10,87 tỷ USD của năm 2019, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Trong năm 2020, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều sự biến động. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh lần lượt là 25,7% và 18% so với năm 2019, đạt 77,08 tỷ USD và 48,91 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông tăng mạnh 45,9% so với năm 2019, đạt 10,44 tỷ USD. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số đối tác thương mại tham gia Hiệp định CPTPP với Việt Nam cũng đạt kết quả tích cực như: Canada tăng 12,1%, Australia tăng 2,6%, Chile tăng 8,3%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác lại sụt giảm so với năm 2019 như: EU giảm 1,8%, ASEAN giảm 8,4%, Hàn Quốc giảm 3,2%, Nhật Bản giảm 5,2%, Anh giảm 13,9%…
Về thị trường nhập khẩu: Năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch đạt 84,19 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, chiếm tới 32% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Như vậy, năm 2020, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 35,3 tỷ USD, tăng so với mức 34 tỷ USD của năm 2019.
Cùng với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ một số thị trường cũng tăng trong năm 2020 như: Nhật Bản tăng 4,1%, EU tăng 4,2%, thị trường Đài Loan tăng 10,2%, Australia tăng 5%, Nga tăng 9,6%…
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ 0,3%, ASEAN giảm 5,4%, Mỹ giảm 5%, thị trường Hồng Kông giảm 15,3%…
Trong năm 2021, các Hiệp định thương mại tự do được xem là động lực chính để xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, hoạt động thương mại cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức có thể cản trở đà tăng trưởng như diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 trên toàn cầu hay giá cước vận tải biển đang tăng lên gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ, hơn 3 tháng qua giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh. Tình hình thiếu container có thể kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế ở nhiều nơi.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Xuất khẩu Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-remaining-business-support-service-activities-n-e-c-_1229#N