Năm 2020 là năm khó khăn đối với thị trường bất động sản do tác động kép từ đại dịch Covid-19 và đà suy giảm từ năm 2019. Mặc dù vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực từ cuối năm 2020 mở ra nhiều triển vọng cho năm 2021.
Với hiệu quả trong việc chủ động kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, uy tín của Việt Nam được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế là cơ sở để các dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam.
Hiện lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, nên các quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam, để tăng hiệu quả về lợi nhuận.
Yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng tới xu hướng đầu tư. Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều đến các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, vàng.
Với nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề quan tâm là cơ chế rõ ràng, tạo điều kiện được đầu tư ở Việt Nam, cũng như bảo vệ được các sở hữu trí tuệ.
Do đó, trong quý IV/2020, Chính phủ đã có những quan tâm tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Pháp lý sẽ là một động lực thúc đẩy cho thị trường bất động sản năm 2021.
Năm 2021, loạt chính sách mới có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
+) Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật đầu tư sửa đổi
Từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành, nhiều công trình sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Theo đó, sẽ có 10 trường hợp được miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
+) Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị
+) Nghị định cứu hàng ngàn dự án có đất công xen kẹt
+) Nghị định số 25/2020/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư
Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế tác động tích cực nên thị trường bất động sản. Dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2021 khởi sắc nhờ sự phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Ngoài ra, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là thúc đẩy đầu tư công, cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch Covid-19. Những nỗ lực này đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế, và hiệu ứng này sẽ kéo sang năm 2021.
Dự báo năm 2021 bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc phát triển nhất
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2020 thị trường bất động sản công nghiệp vẫn tăng và sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang…
Hiện nay, Việt Nam có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60 – 80 nghìn đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động từ 3 – 5 triệu đồng/m2
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, số lượng hồ sơ đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng mới khu công nghiệp năm 2020 cũng tăng mạnh so với các năm trước.
Với tín hiệu tích cực trong năm 2020, dự báo trong năm 2021, sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp trong nước.
Theo đó, nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Sẽ có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt.
Nhiều dự án logistic phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển. Sẽ không xuất hiện khủng hoảng hay bóng bóng trong bất động sản công nghiệp trong năm 2021. Giá cho thuê mặt bằng kho bãi, nhà xưởng trong năm 2021 được dự báo không tăng so với năm 2020.
Tuy nhiên, các địa phương cần cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án khu công nghiệp, tránh khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra đối với một số địa phương.
Giải pháp giúp thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong năm 2021
Để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 – mức tăng trưởng thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS chuyển mình.
Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Mặc dù vậy, vẫn cần thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường BĐS năm 2021 như sau:
– Về chính sách pháp lý: Hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.
– Về hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.
– Vai trò của doanh nghiệp BĐS: Doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại,… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng,… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.
– Phát triển BĐS xanh, bền vững: Đây là xu thế tất yếu cho thị trường và các doanh nghiệp. Trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L