Kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập đỉnh mới, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường. Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng và hoạt động M&A tiếp tục nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư, tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5/2021, chỉ số Vn-Index ghi nhận mức cao kỷ lục mới 1.316,7 điểm, 8,12 điểm so với phiên giao dịch ngày 25/5/2021 và tăng 18,5% so với đầu năm và nằm trong nhóm những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
HNX-Index tăng 3,27 điểm so với phiên giao dịch ngày 25/5/2021 lên gần 305 điểm, còn UPCom-Index tăng 0,15 điểm lên 83,06 điểm.
Thanh khoản 3 sàn tiếp tục ở mức cao với hơn 25.800 tỷ đồng trên HoSE. Sau chừng 1 tháng giao dịch thông suốt, hiện tượng nghẽn lệnh trong phiên chiều đã tái diễn trong 4 phiên liên tiếp gần đây trên HoSE khi thanh khoản thị trường tăng lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường trong phiên giao dịch ngày 26/5/2021, khi 26 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX, UpCOM thì chỉ có cổ phiếu BID giảm nhẹ; VBB đứng giá còn lại đều tăng rất tốt, như BAB, EIB, SSB, LPB với tỷ lệ tăng trên 6%. Trong rổ VN30, TCB, TPB tăng hơn 2%, trong khi MBB gây ấn tượng khi bứt phá 4,7% với thanh khoản cao. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng tăng khá như FPT, VHM.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi các nhà đầu tư quay trở lại mua ròng
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi các nhà đầu tư trở lại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 180 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 11 phiên bán ròng liên tiếp. Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng 4,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 114,46 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại tập trung vào PLX (136,5 tỷ đồng), VHM (84,6 tỷ đồng), VRE (69 tỷ đồng), VNM (48,4 tỷ đồng)…
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng 36,07 tỷ đồng trong đó riêng THD khối ngoại mua ròng 47,41 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 29,46 tỷ đồng.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm đã xoa dịu nỗi lo lạm phát của nhà đầu tư và giúp các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 26/5/2021.Thị trường Việt Nam tiếp tục giữ xu thế tăng điểm sau khi vượt qua mốc tâm lý
1.300 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Như vậy, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 6 liên tiếp từ mốc 1.252 điểm tới vùng điểm hiện tại, tương ứng mức tăng hơn 64 điểm. Điều này khiến dù các chỉ báo kỹ thuật vẫn duy trì tín hiệu về xu thế tăng của thị trường nhưng việc RSI, ROC, MFI… đều đang tiến vào vùng quá mua (overbought) cùng đồ thị chỉ vượt sâu khỏi đường giới hạn trên của dải Bollinger Band cho thấy khả năng về sự sớm xuất hiện của một nhịp điều chỉnh kỹ thuật.
Chỉ số VN-Index tích lũy trong phiên sáng nhưng bắt đầu tăng điểm vào phiên chiều. Dòng tiền đầu tư tương đương với phiên trước khi có 12/19 ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trở lại trên cả 2 sàn HSX và HNX.
M&A sẽ nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư
Thị trường tài chính còn chuẩn bị đón nhận một thương vụ M&A khác là Tập đoàn Thaco Group của tỷ phú ô tô Trần Bá Dương dự kiến sẽ mua lại chuỗi siêu thị Emart (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Sau khi tiếp quản siêu thị này, Thaco sẽ đẩy mạnh mở rộng việc phát triển hệ thống siêu thị này với vai trò là chủ đầu tư mới và là người mua nhượng quyền, trong khi các hoạt động vận hành, quản lý, thu mua của chuỗi vẫn được giữ nguyên như trước đây. Hiện cả bên mua và bên bán vẫn đang tiếp tục đàm phán các điều khoản còn lại và thương vụ này dự kiến sẽ sớm được ký kết.
Ngoài ra còn nhiều thương vụ lớn khác như Sumitomo mua 49% cổ phần của FE Credit trong một thương vụ tỷ USD; Tập đoàn SK Group rót 410 triệu USD vào VinCommerce hay nhà đầu tư Nhật ENEOS Corporation đăng ký mua thêm 25 triệu cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 5%…
Có thể thấy ngay cả khi làn sóng Covid-19 thứ 4 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại với những chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt với nhu cầu bị dồn nén bấy lâu nay và được ủng hộ bởi môi trường lãi suất thấp và chính sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng bán lẻ SME bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid–19 nên các doanh nghiệp lớn sẽ mở rộng được thị phần, M&A với các doanh nghiệp nhỏ khác với giá hợp lý.
Theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 – 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.
Dòng tiền từ các M&A có thể giúp giảm bớt sức ép giảm điểm cho VN-Index sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm đến nay. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể hướng lên vùng 1.350 – 1.400 điểm trong tháng 5/2021. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chỉ số quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh là 1.200 điểm nếu gặp rủi ro tiềm ẩn như dịch Covid-19 bùng phát hay lạm phát lên cao.
Triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán
Diễn biến thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây đang tạo nên niềm tin thị trường tăng tưởng tích cực, ít nhất trong ngắn hạn. Giới nghiên cứu chuyên sâu về thị trường chứng khoán cũng đã có những đánh giá tích cực đối với triển vọng của TTCK trong thời gian tới.
Theo nhận định, Việt Nam có nền tảng vĩ mô, tỷ giá cơ bản ổn định. Đến thời điểm hiện nay, các cân đối lớn của Việt Nam (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại..) ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, cộng với đà kiểm soát lạm phát dưới
4% trong 5 năm qua, quan hệ cung – cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn… Ngoài ra, sự phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả ngày càng ăn nhịp hơn, thể hiện rõ nét là phối hợp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ thời gian qua.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 30/2021/TT-BTC về việc kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá 15 loại dịch vụ chứng khoán. Việc tiếp tục kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá dịch vụ chứng khoán trong bối cảnh hiện nay là hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Một tín hiệu tích cực khác là sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng nhiều. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, 4 tháng đầu năm, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt gần 370 ngàn tài khoản, bằng hơn 90% cả năm 2020. Trong đó, riêng tháng 4/2021, số tài khoản cá nhân và tổ chức mở mới lần lượt đạt 110,510 tài khoản và 145 tài khoản.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đang “rất khỏe và đi lên chậm chắc” cùng với dòng tiền nội vẫn đang là yếu tố nâng đỡ thị trường hồi phục từng bước một. Với góc nhìn lạc quan, kỳ vọng VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.240 – 1.370 điểm nhờ việc hồi phục kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ quý I/2021 – nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng EPS hai chữ số trong năm 2021.
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, song vẫn có nhiều yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Theo: Bộ Công Thương