Sau giãn cách, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi tích cực, hoạt động M&A diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, sẽ khó có sự bứt phá mạnh bởi những rào cản tồn tại trước đó.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang phải chịu tác động kép từ chu kỳ lên – xuống và dịch Covid-19. Đợt bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp, bất động sản là một trong những ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành gần như đóng băng, hầu hết hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản thứ cấp… không thể diễn ra. Tuy nhiên kể từ đầu quý IV/2021, khi TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu ấm dần lên. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 4,4% lên xấp xỉ 22,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động M&A lĩnh vực bất động sản diễn ra khá sôi động. Đơn cử như: Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD. Nishi Nippon Railroad đã mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước. Nishi Nippon Railroad đã từng hợp tác cùng Nam Long Group trong việc phát triển Khu đô thị Nam Long Đại Phước với quy mô 45 ha.
Bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản trên thế giới. Việc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp Việt Nam, vốn được hỗ trợ thêm bởi quá trình đô thị hóa và sự giảm dần số lượng trong các hộ gia đình truyền thống đa thế hệ. Ngoài ra, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố rất quan trọng để mở ra các thị trường mới nhằm thỏa mãn nhu cầu đầu tư bất động sản vốn luôn có sẵn của tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng tại Việt Nam.
Thị trường bất động sản Việt Nam giảm liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2021. Bước sang quý IV, giai đoạn bình thường mới, thị trường địa ốc được kỳ vọng đi ngang nhưng vẫn sẽ thấp hơn so với các năm trước. Trong khi những năm khác, thị trường sẽ có quy luật tăng dần, khó khăn trong quý I và tăng trưởng tốt trong quý IV. Trái ngược với quy luật hàng năm, sự phục hồi của thị trường BĐS trong quý IV sẽ khó có sự bứt phá mạnh do tất cả yếu tố về kinh tế và thị truờng bất động sản bị ảnh hưởng sau 1 thời gian dài đóng băng. Việc doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu với tỷ trọng lớn kéo theo rủi ro về trái phiếu là việc cần hết sức cảnh giác thời gian tới.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Mặc dù khó khăn, nhưng thị trường BĐS được đánh giá còn nhiều tiềm năng như nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp còn thiếu. Trong khi đó, các dự án condotel, du lịch nghỉ dưỡng còn nhiều cơ hội phát triển. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư công và phát triển hạ tầng để kích thích tăng tổng cầu. Theo đó, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, kỳ vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 – 2020. Riêng TP. Hồ Chí Minh là 638.500 tỷ đồng.
Trong giai đoạn bình thường mới cần có giải pháp hỗ trợ kinh doanh bất động sản phục hồi để dự án đi vào triển khai hoạt động trở lại như thủ tục đầu tư cần sửa đổi. Bất động sản là điểm nhấn, yếu tố quan trọng để phục hồi đầu tư.
Trong bối cảnh lãi suất thấp, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển vào bất động sản, cộng với hiệu ứng từ cú hích đầu tư công, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc là rất lớn. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, giá cổ phiếu bất động sản (nhóm doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán) tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán là 29%.
Thứ hai, hàng loạt khó khăn vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản đã và đang được tập trung tháo gỡ giai đoạn 2020 – 2021 với nhiều nghị định được Chính phủ ban hành. Theo Bộ Xây dựng, sắp tới, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng được trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm, hứa hẹn tạo nhiều cơ hội phục hồi cho thị trường BĐS.
Theo: Bộ Công Thương