Theo ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 9/2020 đạt 13 nghìn tấn, kim ngạch 22 triệu USD, tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 1,8% về kim ngạch so với tháng 9/2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 98 nghìn tấn, kim ngạch 156 triệu USD, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 5,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam tháng 9/2020 ước đạt 1.692 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 8/2020 nhưng giảm 0,6% so với tháng 9/2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam đạt 1.607 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Với xu hướng tăng giá của giá chè thế giới, dự báo, giá chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thời gian tới.
Biến động thị trường chè thế giới tháng 9/2020
Giá chè tại các quốc gia trồng chè lớn đã biến động mạnh trong năm nay do thời tiết khắc nghiệt kết hợp với dịch Covid-19 tạo ra các yếu tố tác động lên giá chè thế giới.
Tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, giá đấu giá trung bình của trà Ceylon là khoảng 625 Rupee Sri Lanka (3,40 USD)/kg vào giữa tháng 9, hoặc cao hơn gần 20% so với một năm trước đó. Nguyên nhân chính là năng suất cây trồng thấp hơn. Sri Lanka đã trải qua một mùa khô kéo dài bất thường kéo dài từ cuối năm 2019 đến đầu mùa Xuân. Quốc gia này đã sản xuất 179.000 tấn chè búp trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Các cuộc đấu giá đã không được tổ chức từ cuối tháng 3/2020 đến đầu tháng 4/2020 do đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến giá chè tại Sri Lanka tăng giá. Khi các cuộc đấu giá mở cửa trở lại, giá tăng lên do lo ngại sản lượng giảm do thời tiết xấu.
Giá chè tại Ấn Độ cũng đang tăng mạnh. Chè được sản xuất ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, các giống Darjeeling và Assam đang được giao dịch với giá khoảng 260 Rupee Ấn Độ (3,50 USD)/kg, cao hơn khoảng 70% so với một năm trước.
Nông dân Ấn Độ đã không thể thu hoạch chè trong khoảng 18 ngày vào đầu mùa Xuân do đợt chính sách cách ly xã hội trên toàn quốc. Điều này có nghĩa là vụ thu hoạch chè đầu tiên năm 2020 tại Ấn Độ đã bị trễ khoảng 10 ngày so với thường lệ.
Bang Assam, nơi sản xuất khoảng một nửa lượng chè của Ấn Độ, cũng bị lũ lụt vào cuối tháng 6/2020, điều này khiến sản lượng chè của Ấn Độ đã giảm 19% trong 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn khoảng 670.000 tấn.
Ấn Độ tiêu thụ khoảng 80% lượng chè trong nước, và nhu cầu trong nước mạnh đã góp phần làm tăng giá ở nước ngoài.
Theo các nguồn tin từ Ủy ban chè quốc tế; Công ty môi giới chè châu Phi; Hiệp hội Broker của Luân Đôn; giá chè thế giới đã tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp 3 tháng trước đó, đạt 2 USD/kg trong tháng 8/2020, tăng 12,3% so với tháng 7/2020 nhưng vẫn giảm 6,1% so với tháng 8/2019.
Về tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam
Theo ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 9/2020 đạt 13 nghìn tấn, kim ngạch 22 triệu USD, tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 1,8% về kim ngạch so với tháng 9/2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 98 nghìn tấn, kim ngạch 156 triệu USD, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 5,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 8/2020 đạt 13,3 nghìn tấn, kim ngạch 21,8 triệu USD, giảm 0,6% về lượng và giảm 1,5% về kim ngạch so với tháng 7/2020; tăng 7,5% về lượng nhưng giảm 3,8% về kim ngạch so với tháng 8/2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt trên 84,6 nghìn tấn, kim ngạch 134,9 triệu USD, tăng 3,9% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam tháng 8/2020 đạt 1.643,8 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 7/2020 và giảm 10,6% so với tháng 8/2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam đạt 1.594,5 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Với xu hướng tăng của giá chè thế giới, dự báo, giá chè xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới cũng sẽ tăng.
Tháng 8/2020, Pakistan, Đài Loan và Nga là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 61,5% tổng lượng chè xuất khẩu. Xuất khẩu chè sang 3 thị trường trên đều tăng so với tháng 7/2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Pakistan tăng 7,3% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch; Đài Loan giảm 1,8% về lượng và tăng 5,9% về kim ngạch; Nga tăng 2,1% về lượng và tăng 6,5% về kim ngạch.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Ấn Độ vẫn tăng mạnh trong tháng 8/2020, tăng 788,5% về lượng và tăng 625,9% về kim ngạch so với tháng 8/2019, tương ứng đạt 693 tấn, kim ngạch 751 nghìn USD. Dịch Covid-19 vẫn có xu hướng lan rộng tại Ấn Độ, cùng với đó, sản lượng chè tại quốc gia đã giảm đáng kể, giảm 19% trong 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, đã khiến giá chè tăng mạnh. Mặc dù ngành chè Ấn Độ có ý định chuyển sang tiêu thụ chè giá rẻ Kenya, tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh chè, nước này vẫn phải nhập khẩu chè từ nhiều nguồn bởi hương vị chè mỗi nơi khác nhau.
Tính chung 8 tháng năm 2020, xuất khẩu chè Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Pakistan, Đài Loan đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Pakistan giảm 6,9% về lượng và giảm 12% về kim ngạch; Đài Loan giảm 11,9% về lượng và giảm 10,6% về kim ngạch. Trái lại, xuất khẩu chè sang thị trường Nga tăng 9,68% về lượng và tăng 11% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn chung, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường trong 8 tháng năm 2020 giảm hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, tuy vậy, xuất khẩu chè sang hai thị trường Ấn Độ và UAE vẫn tăng mạnh, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng 171% về lượng và tăng 115,7% về kim ngạch; xuất khẩu sang UAE tăng 156,8% về lượng và tăng 163,3% về kim ngạch.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành trồng chè tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/growing-of-tea-trees_41#A