2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 17 nghìn tấn, kim ngạch 29 triệu USD, giảm 1,6% về lượng nhưng tăng 11,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè thế giới thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng do lo ngại năng suất chè của Ấn Độ giảm bởi lượng mưa giảm 50% trong tháng 1 và 2 tại các vùng trồng chè chính, điều này khiến giá xuất khẩu chè trung bình của Việt Nam cũng tăng thời gian tới.
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 2/2021 ước đạt 8 nghìn tấn, kim ngạch 14 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 4,2% về kim ngạch so với tháng 01/2021; giảm 15,3% về lượng nhưng tăng 3,8% về kim ngạch so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 17 nghìn tấn, kim ngạch 29 triệu USD, giảm 1,6% về lượng nhưng tăng 11,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 9,1 nghìn tấn, kim ngạch 14,6 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 17,6% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 14,5% về lượng và tăng 19,1% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 1.604,8 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 01/2020.
Trên thị trường thế giới, giá chè tăng trong thời gian gần đây là do cung không đủ cầu, trong đó, Ấn Độ- nước sản xuất chè lớn thứ hai trên thế giới với sản lượng chè năm 2020 đạt 1,255 triệu tấn, giảm 9,7% so với năm 2019 do lũ lụt lớn và lệnh hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 dẫn đến việc thiếu lao động lao động thu hái chè, điều này đã đẩy giá chè trung bình của Ấn Độ năm 2020 tăng 31% lên mức cao kỷ lục 2,53 USD/kg.
Theo nhận định, giá chè thế giới sẽ tiếp tục tăng thời gian tới do lo ngại năng suất chè của Ấn Độ giảm bởi tại một số vùng trồng chè chính của Ấn Độ như (Bang Assam, Tây Bengal) lượng mưa trong tháng 1 và 2 đã giảm 50%.
Giá chè thế giới tăng khiến giá xuất khẩu chè trung bình của Việt Nam cũng tăng theo, điều này sẽ hỗ trợ phần nào những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam bởi chi phí vận tải tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều quốc gia.
Tháng 01/2021, Việt Nam xuất khẩu chè chủ yếu sang các thị trường Pakistan, Trung Quốc, Nga và Đài Loan, chiếm 71,3% tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất, với lượng xuất khẩu đạt 1,2 nghìn tấn, kim ngạch 1,78 triệu USD, tăng 408,1% về lượng và tăng 560,7% về kim ngạch so với tháng 01/2020. Có thể thấy, xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trong tháng 01/2021 là do Trung Quốc đã tăng nhập khẩu chè để phục vụ nhu cầu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Về dài hạn, nhu cầu chè của thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu chè của người dân Trung Quốc đang có xu hướng tăng do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng, giữ gìn sức khỏe thông qua đồ uống là chè đã trở thành lựa chọn hàng ngày của nhiều người. Nhìn chung, ngoài chè xanh, chè đen, chè ô long truyền thống và các chủng loại khác, trên thị trường ngày càng có nhiều loại chè hỗn hợp tương ứng với các nhu cầu khác nhau cũng khiến nhu cầu thưởng thức chè tăng lên. Ngoài ra, với sự phát triển của các kênh phân phối mới, ngoài các cửa hàng truyền thống, thông qua thương mại điện tử, việc đưa các sản phẩm chè mới, chất lượng đến tay người tiêu dùng được thuận tiện và dễ dàng hơn… Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Chè Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/growing-of-tea-trees_41#A