Năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,749 triệu tấn, kim ngạch 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,5% về kim ngạch so với năm 2019.
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 12/2020 ước đạt 1.591 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 11/2020 và tăng 14,7% so với tháng 12/2019. Theo nhận định, giá cao su thiên nhiên có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn do các yếu tố như nguồn cung thắt chặt, nhu cầu cao và sự phục hồi của nhiều nền kinh tế sau đại dịch.
Tình hình xuất khẩu mặt hàng cao su của Việt Nam tháng 12/2020
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 12/2020 ước đạt 255 nghìn tấn, kim ngạch 358 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 8,1% về kim ngạch so với tháng 11/2020; tăng 13,2% về lượng và tăng 29,8% về kim ngạch so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,749 triệu tấn, kim ngạch 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,5% về kim ngạch so với năm 2019.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 11/2020 đạt 216,4 nghìn tấn, kim ngạch 331,2 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 22,4% về kim ngạch so với tháng 10/2020; tăng 8,9% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,523 triệu tấn, kim ngạch 2,02 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng nhưng giảm 0,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cao su trong tháng 11/2020 đạt 1.530,4 USD/tấn, tăng 10,3% so với tháng 10/2020 và tăng 16,3% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cao su của Việt Nam đạt 1.328 USD/tấn, giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nhận định, giá cao su thiên nhiên có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn do các yếu tố như nguồn cung thắt chặt, nhu cầu cao và sự phục hồi của nhiều nền kinh tế sau đại dịch.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su toàn cầu dự kiến giảm 10,1% trong tháng 12/2020 so với cùng tháng năm 2019. Theo Hiệp hội, nguyên nhân là do sự lây lan của bệnh nấm lá trên cây cao su trưởng thành chiếm khoảng 390.000 ha ở Indonesia, 150.000 ha ở Thái Lan, 19.000 ha ở Malaysia và 20.000 ha ở Sri Lanka. Điều này sẽ làm giảm “đáng kể” sản lượng cao su trong khoảng hai năm.
Ngoài ra, những vườn cây không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ được cho nghỉ khai thác từ nửa cuối tháng 1/2021 – thời điểm trùng với mùa Đông hàng năm của cây.
Hơn nữa, tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung, do các hạn chế đi lại xuyên biên giới ngăn cản những người khai thác di cư và công nhân đồn điền quay trở lại Thái Lan và Malaysia.
Trong khi triển vọng cung cấp cao su thiên nhiên bị hạ thấp, ANRPC dự kiến tỷ lệ tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12/2020, góp phần làm tăng giá. Nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi tâm lý thị trường tích cực và sự hồi sinh kinh tế toàn cầu nhờ bước đột phá trong việc phát triển vắc xin phòng chống dịch Covid-19.
ANRPC cũng lưu ý rằng thị trường dầu thô được dự đoán sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường cao su, trong khi đồng USD khó có thể tăng giá trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Hiệp hội cảnh báo rằng có thể có những điểm yếu tiềm ẩn trên thị trường. Những yếu tố này có thể bao gồm thời tiết khắc nghiệt ở các nước sản xuất cao su lớn và nhu cầu dễ bị dồn nén ở các nước tiêu thụ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, tiến độ phát triển vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 có thể tác động đến triển vọng của thị trường cao su thiên nhiên.
Tháng 11/2020, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc , chiếm 80,8% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, đạt 174,76 nghìn tấn, kim ngạch 266,05 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 25,2% về kim ngạch so với tháng 10/2020; tăng 16,7% về lượng và tăng 36% về kim ngạch so với tháng 11/2019.
Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,186 triệu tấn, kim ngạch 1,554 tỷ USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 15,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn chung trong 11 tháng năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều giảm, nhưng một số thị trường vẫn đạt được sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019 như: Pakistan, Bỉ, Argentina, CH Séc và Singapore, nhưng các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Cao Su Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-rubber-tyres-and-tubes-retreading-and-rebuilding-of-rubber_335#C