Năm 2021, ICT hiện vẫn là mảng cốt lõi của FRT, FPT Retail (FRT) sẽ tiếp tục chú trọng tăng doanh thu của hệ thống FPT Shop bằng việc đưa vào các sản phẩm và loại hình dịch vụ mới như: triển khai dịch vụ SIM đồng thương hiệu; bán ra các sản phẩm mới như đồng hồ Garmin….
FPT Retail (FRT) đã công bố Báo cáo tài chính công ty hợp nhất quý 1/2021 với doanh thu 4.692 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp thu về 585,5 tỷ đồng, tăng so với mức 563,5 tỷ đồng hồi quý 1/2020.
Trong kỳ, chi phí lãi vay được cắt giảm đáng kể, chỉ còn 20 tỷ so với mức hơn 44 tỷ trong quý đầu năm ngoái. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm…
Khấu trừ, FRT đạt lãi sau thuế 31 tỷ đồng, giảm 13%. So với kế hoạch 2021, 3 tháng Công ty thực hiện được khoảng 1/3 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tiếp tục chủ trương mở rộng những ngành hàng mới hỗ trợ tăng trưởng, song song với đầu tư phát triển mảng chủ lực tương lai là dược, quý đầu năm nay Công ty đã khai trương cửa hàng đồng hồ Garmin đầu tiên tại Hà Nội. Đây là dòng sản phẩm đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe và luyện tập thể thao tiện lợi cho người dùng vào ngày 11/4, doanh thu cán mốc 400 triệu đồng sau 3 giờ mở bán.
Song song, FRT cũng khai trương 68 trung tâm laptop nhằm tạo điều kiện nâng cao dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu laptop ngày càng tăng của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu laptop trong quý 1 theo đó tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.
Năm nay, ICT hiện vẫn là mảng cốt lõi của FRT, Công ty sẽ tiếp tục chú trọng tăng doanh thu của hệ thống FPT Shop bằng việc đưa vào các sản phẩm và loại hình dịch vụ mới như: triển khai dịch vụ SIM đồng thương hiệu; bán ra các sản phẩm mới.
Mặt khác, theo dòng chảy chuyển đổi số, FRT cũng sẽ đầu tư hoàn thiện nền tảng bán lẻ, giúp tăng trải nghiệm khách hàng và hiệu quả kinh doanh. Riêng với chuỗi dược, FRT khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ công nghệ để hỗ trợ cho câu chuyện quản trị.
“Chẳng hạn ngoài phân tích dữ liệu, áp dụng chuyển đổi số còn có thể kiểm soát hàng hoá bán ra tại các cửa hàng realtime, nắm được cửa hàng nào bán sản phẩm gì, từ đó quyết định nhóm hàng nào cần chia hàng về cho từng shop ra sao để shop đủ khả năng phục vụ, không thiếu thừa cho shop đó. Đây là điều rất quan trọng để không mất cơ hội bán hàng. Khách hỏi mà thiếu sản phẩm sẽ bỏ đi, mất đi cơ hội bán hàng”, đại diện FRT trao đổi với cổ đông tại cuộc họp thường niên mới đây.
Chưa kể, dược phẩm thì số lượng nhóm sản phẩm rất nhiều, khoảng 4.000-5.000 mã sản phẩm, gấp 3 so với điện thoại di động, lại quản lý hạn sử dụng nên độ phức tạp rất nhiều, nhập dư thì áp lực về hạn sử dụng, thiếu thì mất cơ hội. Do đó, Công ty sẽ áp dụng công nghệ để phân tích mã hàng, từng khu vực, địa bàn bác sĩ ra toa như thế nào thì mình cũng phải biết… hệ thống quản lý tương đối phức tạp, nên phải ứng dụng công nghệ.
Theo: Cafef