Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) vừa công bố một báo cáo phân tích về ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đối với chuỗi cung ứng thủy sản, đồng thời khuyến cáo các chính phủ về những giải pháp bảo vệ ngành thủy sản.
Toàn bộ các hoạt động cung cấp các sản phẩm thủy sản từ sản xuất đến người tiêu dùng là chuỗi phức tạp, gồm nhiều mắt xích: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, bán buôn và bán lẻ. Nếu một trong những liên kết của người sản xuất – người mua – người bán này bị phá vỡ bởi đại dịch hoặc các biện pháp ngăn chặn dịch, thì kết quả sẽ là một chuỗi các sự gián đoạn ảnh hưởng đến nền kinh tế của ngành.
Theo nhận định của FAO, ngành thủy sản chịu tác động gián tiếp của đại dịch Covid vì sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, tiếp cận thị trường hoặc các vấn đề hậu cần liên quan đến vận chuyển và hạn chế biên giới. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh kế của ngư dân và toàn chuỗi cung ứng thủy sản.
Khó khăn khi phòng dịch trên biển
Đối với hoạt động đánh bắt trên biển, trong những ngày này, nguồn cung nước đá, thiết bị, mồi câu đang bị hạn chế do các nhà cung cấp bị đóng cửa. Các biện pháp vệ sinh (khoảng cách vật lý giữa các thành viên phi hành đoàn trên biển, việc đeo khẩu trang, mặt nạ…), không đủ thiết bị để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thuyền viên, cũng có thể làm cho việc đánh bắt trở nên khó khăn.
Thuyền viên trên các tàu công nghiệp quy mô lớn (tàu lưới vây, lưới rê) đang hoạt động trong vài tuần và sau đó thay thế trong khi họ nghỉ ngơi, không thể đi về nhà do hạn chế chuyến bay và thời gian cách ly. Do đó, họ có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn trên tàu, điều này làm tăng sự mệt mỏi, căng thẳng và có khả năng xảy ra tai nạn trên tàu.
Các tàu cá quy mô lớn của các đội tàu đánh cá xa bờ cũng có thể phải đối mặt với các trường hợp mắc Covid – 19 trong các thành viên thủy thủ của họ khi ở ngoài biển. Vi-rút có thể lây lan nhanh chóng trong tất cả các thuyền viên của tàu và hỗ trợ y tế dường như không có sẵn. Khi cố gắng vào một cảng, thuyền viên không thuộc quốc gia có cảng có thể không được phép vào nước này.
FAO khuyến nghị các quốc gia cần bảo đảm an toàn bằng cách chỉ cho phép các tàu có đầy đủ thuyền viên rời bến để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá. Khi có thể, tăng cường các chương trình giám sát từ xa và không quan sát viên (máy ảnh, sổ nhật ký, hệ thống báo cáo điện tử), đặc biệt là giám sát ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Để tránh hiện tượng giảm giá thu mua hải sản, cần mở rộng việc mua hải sản của chính phủ để sử dụng cho các tổ chức (bệnh viện, chương trình cho ăn ở trường, nhà tù…) cũng như để phân phối hỗ trợ thực phẩm.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, do sự gián đoạn của thị trường, người nuôi cá không thể bán cá đến độ thu hoạch của họ và phải giữ lại một lượng lớn cá sống và cần nuôi ăn trong một thời gian không xác định. Điều này làm tăng chi phí và rủi ro. Một số loài được nuôi để xuất khẩu (như cá tra) đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa thị trường quốc tế ở Trung Quốc, EU. Nuôi thủy sản có vỏ (hàu, ngao, sò) bị ảnh hưởng chủ yếu do đóng cửa dịch vụ thực phẩm (du lịch, khách sạn và nhà hàng) và các nhà bán lẻ. Ngoài ra, do một loạt hạn chế của các quốc gia đối với việc di chuyển hàng hóa và thông quan sân bay… sẽ khiến trại giống gặp khó khăn trong việc giao dịch tôm bố mẹ để sản xuất giống.
FAO khuyến cáo các chính phủ về các biện pháp để duy trì hoạt động của ngành nuôi trồng thủy sản. Một là, công bố ngành nuôi trồng thủy sản phải ngang bằng với ngành nông nghiệp trong cơ chế ưu tiên cho vay vốn, bảo hiểm mùa màng, giá điện và các loại thuế khác. Hai là, cho người nuôi cá tăng khả năng tiếp cận các chương trình tín dụng và tài chính vi mô với lãi suất giảm, trả nợ linh hoạt và các lựa chọn để cơ cấu lại các khoản vay và thời hạn thanh toán liên quan. Ba là, xóa nợ cho các khoản vay được sử dụng để duy trì trả lương, và các khoản vay lãi suất thấp để tái cấp vốn nợ hiện có. Bốn là, giảm các khoản thanh toán, tức là tạm dừng một số nghĩa vụ tài chính như tiện ích, thuế bất động sản và các khoản thế chấp.
Tăng bảo quản, chế biến thủy sản chưa tiêu thụ kịp
Phân tích về những mắt xích trong chế biến và tiêu thụ thủy sản, FAO cho rằng, các nhà máy chế biến, thị trường và thương mại đang thích ứng với sự thay đổi nhu cầu thị trường do dịch Covid – 19. Khi các quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa, nhà hàng, khách sạn, trường học, trường đại học và căng tin đóng cửa, ảnh hưởng hoạt động của nhiều nhà bán buôn thủy sản và không có cửa hàng để bán một số loài cá tươi có giá trị cao.
Cơn hoảng loạn mua thực phẩm dự trữ có lợi cho việc bán cá và thủy sản đóng gói, đông lạnh hoặc đóng hộp. Nhưng khi các quốc gia đang đóng cửa biên giới, các chuyến bay có thể bị hủy, đã ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng lên.
Hạn chế về tiếp cận thị trường và nhu cầu giảm dẫn đến các sản phẩm thủy sản phải lưu kho lâu hơn. Điều này dẫn đến tổn thất và lãng phí thực phẩm do thay đổi chất lượng cũng như tăng chi phí cho các nhà chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân.
Đối với chuỗi chế biến và tiêu thụ thủy sản, FAO khuyến cáo các chính phủ cần đảm bảo tiếp cận chuỗi cung ứng và cho các hoạt động khai thác và xuất khẩu thủy sản. Trong nước, cần tiếp tục hỗ trợ cho chuỗi cung ứng: sử dụng kho thủy sản tạm thời, phối hợp với các nhà chế biến để điều chỉnh nguồn cung cho thị trường trong nước và thay thế sản phẩm đã chuẩn bị trước đó cho thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, thương nhân cần tăng cường chế biến cá vẫn chưa tiêu thụ được bằng phương pháp muối hoặc trữ trong nước đá khi thích hợp, đòi hỏi phải cung cấp hộp cá cách nhiệt cỡ trung bình được cung cấp bởi các cơ quan quản lý. Cần khai thác khả năng sản xuất thủy sản cấp đông với các công ty chế biến, làm lạnh và phân phối thủy sản.
FAO còn khuyến cáo các chính phủ có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động trong ngành thủy sản. Cần cải thiện vệ sinh dịch tễ trong chợ cá trong giai đoạn cứu trợ/phục hồi. Nên cung cấp lương và hỗ trợ thất nghiệp cho thuyền viên và người nuôi cá quy mô nhỏ tự làm chủ, hỗ trợ những người dễ bị ảnh hưởng nhất bằng tiền mặt và lương thực, thực phẩm. Điều chỉnh thiết kế chương trình đảm bảo bảo hiểm đầy đủ và rộng hơn cho ngành thủy sản, bao gồm cả lao động phi chính thức và bảo hiểm xã hội.
Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về ngành Thuỷ Sản:
- Nuôi trồng thuỷ sản nội địa tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/inland-aquaculture_110
- Nuôi trồng thuỷ sản biển tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/marine-aquaculture_108
- Khai thác thuỷ sản nội địa tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/inland-fishing_104
- Khai thác thuỷ sản biển tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/marine-fishing_102
Nguồn: https://thoibaokinhdoanh.vn/