Năm 2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,511 triệu tấn, kim ngạch 2,658 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 7,2% về kim ngạch so với năm 2019.
Bước sang năm 2021, đặc biệt là trong quý I/2021, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam được kỳ vọng sẽ sôi động hơn do sắp vào vụ thu hoạch mới, các đơn vị xuất khẩu trong nước tập trung đẩy hàng để dọn kho chuẩn bị thu mua hàng mới. Tuy nhiên, giá cà phê có thể sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào khi vào vụ thu hoạch mới.
Tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 và năm 2020
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 12/2020 đạt 85 nghìn tấn, kim ngạch 170 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,5% về kim ngạch so với tháng 11/2020; giảm 54,7% về lượng và giảm 48% về kim ngạch so với tháng 12/2019. Tính chung trong năm 2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,511 triệu tấn, kim ngạch 2,658 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 7,2% về kim ngạch so với năm 2019.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2020 đạt 83,7 nghìn tấn, kim ngạch 161,1 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 4,5% về kim ngạch so với tháng 10/2020; giảm 25,3% về lượng và giảm 17,8% về kim ngạch so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê đạt 1,426 triệu tấn, kim ngạch 2,487 tỷ USD, giảm 3% về lượng và giảm 1,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê tháng 11/2020 đạt 1.924,4 USD/tấn, tăng 4,2% so với tháng 10/2020 và tăng 10% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê đạt 1.744,3 USD/tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 11/2020, Việt Nam xuất khẩu cà phê chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Đức, Italia và Nhật Bản, chiếm 36,3% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực đều giảm trong tháng 11/2020 so với tháng 11/2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, giảm 44,5% về lượng và giảm 39,9% về kim ngạch.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường vẫn tăng mạnh trong tháng 11/2020 so với tháng 11/2019 như xuất khẩu sang thị trường Israel tăng 158,1% về lượng tăng và tăng 166,3% về kim ngạch; Ai Cập tăng 106% về lượng và tăng 116,1% về kim ngạch; Indonesia tăng 121,8% về lượng và tăng 100,5% về kim ngạch.
Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê sang 3 thị trường chủ lực là Mỹ, Đức và Italia biến động không nhiều so với cùng kỳ năm 2019, với tốc độ tăng/giảm dao động trong khoảng từ 1-2%, trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là thị trường Đức giảm 2,1% về lượng và giảm 2% về kim ngạch, đạt 205,2 nghìn tấn, kim ngạch 319,2 triệu USD.
Tuy vậy, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường vẫn tăng khá trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 12,1% về lượng và tăng 15,4% về kim ngạch; Israel tăng 15,4% về lượng và tăng 7% về kim ngạch; Ai Cập tăng 13,5% về lượng và tăng 14,1% về kim ngạch; Ba Lan tăng 28,3% về lượng và tăng 35,6% về kim ngạch…
Nhận định thị trường cà phê thời gian tới
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,8% về lượng và giảm 7,2% về kim ngạch trong năm 2020.
Bước sang năm 2021, đặc biệt là trong quý I/2021, thị trường xuất khẩu cà phê được kỳ vọng sẽ sôi động hơn do sắp vào vụ thu hoạch mới, các đơn vị xuất khẩu trong nước tập trung đẩy hàng để dọn kho chuẩn bị thu mua hàng mới. Tuy nhiên, giá cà phê có thể sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào khi vào vụ thu hoạch mới.
Đối với thị trường xuất khẩu, tại nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Âu đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 bùng phát dịch Covid-19. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Mỹ trong 3 tháng cuối năm 2020 vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp cà phê trong việc tìm lối đi riêng để xuất khẩu cà phê.
Riêng đối với thị trường Mỹ, theo thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu cà phê vào Mỹ trong 10 tháng năm 2020 đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 4,66 tỷ USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Braxin, Colombia và Việt Nam là 3 nguồn cung cà phê lớn nhất tại Mỹ, chiếm 57,1% tổng lượng cà phê nhập khẩu vào Mỹ trong 10 tháng năm 2020.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhập khẩu cà phê vào Mỹ giảm, tuy nhiên xét theo tỷ trọng cà phê từng thị trường tại Mỹ, cà phê Việt Nam và Braxin có xu hướng tăng tỷ trọng tại Mỹ, điều này cho thấy cà phê Việt Nam vẫn đang có lợi thế tại Mỹ.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Cà phê Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wholesale-of-food_684#G