Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2020 có thể thấy đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự báo năm 2021, nguồn cung mới vẫn bị thiếu hụt sẽ đẩy giá bất động sản tăng. Đây vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Thị trường bất động sản Việt Nam trầm lắng trong 2 năm 2019 – 2020 do thiếu hụt nguồn cung mới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Tp.HCM, số lượng các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường…). Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.
Tại Hà Nội, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cung cấp sản phẩm cho thị trường một cách nhỏ giọt. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường Hà Nội chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần 10 triệu dân.
Thực tế, nguồn cầu của các nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19. Nguyên nhân bởi do tác động của dịch bệnh, hoạt động khai thác kinh doanh không hiệu quả, kinh tế suy giảm nên các nhà đầu tư muốn đầu tư tiền vào lĩnh vực bất động sản.
Dự báo năm 2021, thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ việc duy trì lãi suất thấp và gỡ nút thắt thể chế
Tình hình phát triển dự án bất động sản tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chậm trong năm 2020 do nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và thể chế, chỉ một số ít dự án được phê duyệt trong thời gian 1 – 2 năm vừa qua.
Đại dịch Covid-19 cũng tác động kép khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kém khả quan. Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ và cởi mở trên tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào hồi tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cắt giảm các lãi suất điều hành nhằm vực dậy nền kinh tế. Điển hình như lãi suất tái cấp vốn đã giảm từ mức 6,25% xuống 6% vào tháng 9/2019, xuống 5% vào tháng 3/2020, xuống 4,5% trong tháng 5/2020, xuống 4% vào ngày 30/9/2020.
Theo báo cáo tài chính của 8 ngân hàng đầu ngành, lợi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với mức cuối năm 2019. Việc này đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng.
Các ngân hàng đã đưa ra các gói kích thích như miễn, giảm lãi suất cho vay nhằm đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà do ảnh hưởng của đại dịch cùng việc thiếu nguồn cung nhà ở.
Tính đến tháng 11/2020, lãi suất vay mua nhà điều chỉnh từ các ngân hàng trong nước đã giảm xuống 9,5%, mức thấp nhất trong 10 năm.
Với một ngành thâm dụng vốn lớn như bất động sản, kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp được duy trì trong năm 2021 sẽ đóng vai trò hỗ trợ lớn cho cả doanh nghiệp (giảm chi phí) và người mua nhà (giảm lãi vay), đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nên đứt gãy trong cả nguồn cung và nguồn cầu.
Bên cạnh đó, những khó khăn xuất phát từ thể chế, chính sách trong hai năm vừa qua đã tác động rất lớn đến ngành bất động sản.
Trước đây, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án bất động sản được hiểu và thực hiện theo nhiều cách khác nhau, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, giúp tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc trên.
Cụ thể, Nghị định quy định trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với nhà đầu tư trúng thầu, thời điểm giao đất cho nhà đầu tư được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án.
Việc ban hành hành lang pháp lý mới này giúp tháo gỡ nút thắt trong thời gian dài trên thị trường.
Tại các quốc gia phát triển, người dân có đa dạng kênh tài sản để đầu tư: Trái phiếu, cổ phiếu, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, bất động sản,… Trong đó, kênh bất động sản có thể được đầu tư qua hình thức sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức đầu tư và quản lý bất động sản chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, việc sở hữu trực tiếp bất động sản lại là phương thức được ưu tiên đầu tư. Chính vì vậy, khi lựa chọn kênh đầu tư, tâm lý sở hữu một bất động sản sẽ hiện hữu trong đại đa số người dân.
Tác động và sức lan tỏa của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế là rất lớn. Ở Việt Nam, chu kỳ của ngành bất động sản thường ngắn hơn 4 – 5 năm so với các quốc gia trên thế giới. Trước tác động của Covid-19, giá bán căn hộ sơ cấp tại hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không có dấu hiệu suy giảm.
Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ, đồng thời dự báo mặt bằng giá mới được thiết lập trong dài hạn, làm cơ sở cho những hoạt động kinh doanh, bán hàng trong tương lai của các doanh nghiệp.
Việc Việt Nam là “điểm đến an toàn” cũng sẽ trở thành cơ hội tốt để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng trở về quê hương tránh dịch, sinh sống và làm việc. Nhu cầu sở hữu bất động sản của nhóm khách hàng này sẽ kéo theo dòng tiền lớn vào thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa giá nhà tại Việt Nam có thể sẽ nóng lên thời gian tới.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L