Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển. Trong đó, đáng chú ý Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 góp phần thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng đến nay TTCK Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn ổn định và phát triển. Để xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam như ngày hôm nay, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà cơ quan quản lý xác định là xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTCK, tạo cơ sở để vận hành và phát triển thị trường.
Khác với nhiều nước trên thế giới, khi TTCK được hình thành và đi vào hoạt động một thời gian thì sau đó cơ quan quản lý thị trường mới xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trên thị trường. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước được thành lập và xây dựng cơ chế chính sách cho TTCK trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động.
Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên cơ sở thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, Luật Chứng khoán đã được xây dựng và được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành 01/7/2007. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, kể từ khi TTCK đi vào hoạt động. Luật Chứng khoán năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm TTCK hoạt động công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, giúp TTCK phát huy vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật chứng khoán 2006 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tế cần sửa đổi, bổ sung như quy định về công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, hành vi vi phạm và xử lý vi phạm…. Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời dần đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước, ngày 24/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011.
Nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP năm 2006), thì đến cuối năm 2019 đã có 1.662 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 4.384 nghìn tỷ đồng (tương đương 72,6% GDP năm 2019). Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 đạt đạt 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD (tương đương 847.033 tỷ đồng). TTCK đã hỗ trợ cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại DNNN.
Các khu vực thị trường đã được hình thành, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Tính thanh khoản thị trường được cải thiện rõ rệt qua những năm gần đây. Hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính; cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ của khách hàng và quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, hoạt động của TTCK Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, bất cập như: chất lượng các công ty niêm yết, chất lượng các công ty chứng khoán còn thấp, tham gia TTCK chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư có tổ chức (các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều; việc thực hiện công bố thông tin, quản trị công ty theo thông lệ tốt qua 10 năm thực thi Luật đã có sự tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển.
Trong thời gian qua, các SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, tuy nhiên với quy mô thị trường ngày càng lớn, số lượng công ty niêm yết, các nhà đầu tư ngày càng nhiều thì việc hoàn thiện hệ thống tổ chức thị trường giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán là cần thiết, tạo khả năng liên thông với các TTCK trong khu vực và quốc tế để thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tồn tại, hạn chế nói trên là khung khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK chưa hoàn thiện. Nội dung một số điều khoản của Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản của Luật không còn hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể như quy định về chào bán chứng khoán; công ty đại chúng; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK; tổ chức kinh doanh chứng khoán; thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010 đã không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Trước những sửa đổi của các Luật, Bộ luật nêu trên, Luật Chứng khoán còn thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các DNNN, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán là cần thiết.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Luật gồm 10 chương, 135 điều với những sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện, cơ bản, cụ thể:
Về quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, UBCKNN bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng. Với các quy định tại Luật, UBCKNN đã có đầy đủ thẩm quyền để quản lý, giám sát toàn diện hoạt động về chứng khoán và TTCK; đảm bảo tính độc lập của UBCKNN trong hoạt động quản lý, điều hành, xử lý các vấn đề của thị trường; phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Uỷ ban Chứng khoán như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, dự án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán để trình cấp có thẩm quyền ban hành; Ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; Cấp, thu hồi giấy phép liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; Trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của SGDCK Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Về chào bán chứng khoán, Luật đã sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán hiện hành thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của từng đợt chào bán; đồng thời, quy định điều kiện chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, bổ sung quy định nhằm gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).
Về công ty đại chúng, Luật nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng (nâng tiêu chuẩn về vốn điều lệ đã góp của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông); luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tạo cơ sở pháp lý cao cho việc thực thi các quy định này, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị công ty của các công ty đại chúng; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp quy mô của các công ty đại chúng.
Về thị trường giao dịch chứng khoán, tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo mô hình tập trung tại SGDCK Việt Nam và công ty con; đồng thời quy định rõ SGDCK Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của SGDCK Việt Nam và việc thành lập công ty con của SGDCK Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập và hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý, điều lệ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tạm ngừng, đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán tương tự như SGDCK Việt Nam. Đồng thời bổ sung quy định Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký, lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch bảo đảm theo yêu cầu của khách hàng.
Về tổ chức kinh doanh chứng khoán, Luật đã sửa đổi quy định cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng tách thành 02 hoạt động: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cùng với đó, quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, công bố thông tin, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK cũng có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiệm cận gần hơn với thông lệ tốt của quốc tế.
Nhìn chung, Luật Chứng khoán năm 2019 đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ của quốc tế, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của TTCK. Sau khi có hiệu lực, Luật Chứng khoán năm 2019 sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Không chỉ vậy, Luật Chứng khoán năm 2019 còn tạo cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong tình hình mới.
Nguồn: enternews.vn
- Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về ngành chứng khoán Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/security-and-commodity-contracts-brokerage_1072#K