Trên thị trường bất động sản, hiện tượng sốt đất ảo đang diễn ra khá mạnh tại một số địa phương trên cả nước. Mới đây nhất, giới đầu tư liên tục đổ về 2 xã Tân Lợi và An Khương của tỉnh Bình Phước sau thông tin đề xuất mở rộng sân bay, khiến giá đất bị “thổi giá” gấp nhiều lần. “Cò” đất đi đến đâu, tạo nên cơn sốt ảo ở đó.
Đến nay, mặc dù đã có văn bản cảnh báo của cơ quan chức năng, tuy nhiên tình trạng giao dịch đất, “thổi giá” đất tại 2 xã trên vẫn diễn ra âm ỉ.
Thời gian gần đây tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, sau thông tin UBND tỉnh đề xuất Chính phủ mở rộng sân bay Téc Ních, giới “cò đất”, người mua ồ ạt về đây để đầu tư lướt sóng nhắm vào đất nông nghiệp hai bên đường.
Theo người dân tại xã An Khương, nếu trước đây giá đất mặt tiền đường liên xã dẫn vào khu vực sân bay chỉ dao động từ 20 – 30 triệu đồng mỗi mét ngang, giờ tăng đến 300 triệu đồng mỗi mét ngang, cao gấp 10 lần chỉ trong vòng 1 tuần. Thậm chí, những lô đất được san lấp mặt bằng đội lên 500 triệu đồng mỗi mét ngang.
Dọc theo hai bên đường dẫn vào khu vực sân bay, cứ cách mỗi 50m là bắt gặp bảng treo bán đất kèm theo số điện thoại, giá rao bán từ 690 triệu/ha… Hiện sân bay là khu vực trồng cây cao su, chỉ còn sót lại một đường băng…
UBND huyện Hớn Quản cho biết, dự án làm sân bay Téc Ních mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sát thực địa chứ chưa có quy hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã yêu cầu hai xã Tân Lợi, An Khương tăng cường công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm.
Dù vậy, việc mua bán, “cò” đất vẫn đang diễn ra âm ỉ, với mục đích đón đầu quy hoạch sân bay để lướt sóng, kiếm lời. Hiện nhịp sống thường ngày của vùng quê đã trở lại như trước nhưng chỉ cần một tin đồn nào đó, cơn sốt ảo dễ được thổi bùng trở lại.
Nguyên nhân sốt đất tại các tỉnh
Ngoài “chảo lửa” tại Bình Phước, thực tế tình trạng sốt đất nền cũng đang diễn ra tại một số tỉnh thành khác như: Mê Linh, Hòa Lạc (Hà Nội); Thủy Nguyên (Hải Phòng); Từ Sơn (Bắc Ninh), Việt Yên (Bắc Giang)… Đây là điều khá bất ngờ, bởi nhiều dự báo trước đó cho rằng, đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua sẽ ít nhiều làm bất động sản trầm lắng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Tâm điểm của đợt sốt đất lần này chỉ diễn ra ở đất nền – phân khúc được người dân ưa chuộng nhất. Những lô đất được phân chia thành các diện tích từ 70 – 100 m2, giá vài trăm triệu, hoặc 1 – 2 tỷ đồng, tùy địa điểm, lại dễ mua, dễ bán.
Mọi năm, tháng Giêng được coi là tháng nghỉ ngơi của dân đầu tư bất động sản, nhưng năm nay, không khí đã náo nhiệt ngay sau Tết, bởi ngoài người đầu tư chuyên nghiệp, hiện thị trường còn xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư tay ngang (nhà đầu tư F0), chuyển từ các ngành nghề khác sang nhà đất.
“Hiện nay, tiền nhàn rỗi lớn. Vàng, USD không phải kênh đầu tư hữu hiệu, nên người ta tìm đến đầu tư chứng khoán và bất động sản”, ông Hồ Trung Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Lạng Sơn, nhận định.
Theo các chuyên gia, giá đất tăng 5 – 7%/năm do tốc độ đô thị hóa là mức tăng bình thường. Thế nhưng, mức tăng từ 20 – 50%, thậm chí là 100% chỉ trong thời gian ngắn là sự bất thường.
Thực tế từ các đợt sốt đất cho thấy đó là chiêu tự biên, tự diễn của giới đầu cơ. Giữa hàng chục người đang tìm hiểu mua đất, rất ít người đi mua thật. Tuy nhiên khi thấy người đông đúc, chen lấn, tạo sự khan hiếm giả rất nhiều khách hàng thật sự đã bị cuốn vào giao dịch.
Đất nền tại các tỉnh trở nên náo nhiệt còn bởi sự vào cuộc của một loạt các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp vốn chỉ cát cứ tại thành phố lớn, nay cũng tỏa về các tỉnh để tìm kiếm dự án đầu tư. Điều này kéo theo các môi giới, người đầu tư cũng chuyển dịch địa bàn hoạt động.
“Bong bóng” bất động sản xẹp: Sốt “ảo” nhưng hậu quả thật
Rõ ràng, nguyên nhân của các cơn sốt đất được tạo dựng từ đội ngũ môi giới, đầu cơ rất bài bản, chuyên nghiệp. Theo chia sẻ của một môi giới lâu năm trong nghề, khi có ý định tạo sóng, “thổi giá” tại một khu vực nào đó, các môi giới sẽ tập hợp thành một hội nhóm. Chỉ cần khoảng vài tỷ đồng, nhóm này sẽ tự mua bán với nhau, với giá cao. Người dân nhìn thấy cảnh giao dịch nhộn nhịp, ngỡ rằng đây là các giao dịch thật, giá tăng thật, nên đã nhập cuộc.
Phải mất 10 năm, giá 100m2 đất tại khu vực trung tâm huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước mới tăng lên mức giá 1 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tuần lên cơn sốt, giá đất khu vực này đã tăng đã tăng từ 1 tỷ lên 3,5 – 4 tỷ đồng tùy vị trí. Đến nay, khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều người đã mua đất với giá cao, giờ đã bị mắc cạn.
Theo các chuyên gia, đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao, mặc dù chưa có thông tin rõ ràng.
“Giá trị bất động sản gia tăng khi và chỉ khi nội lực kinh tế đó được liên kết vùng và để giao thương, luân chuyển hàng hóa, như vậy khu vực đó mới có giá trị gia tăng. Còn với một đề xuất như vậy tôi nghĩ rằng đó là hướng tích cực để đẩy nội lực của một tỉnh thành hay một khu vực nào đó. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai 10 năm, 20 năm và còn nhiều hơn thế nữa”, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, chia sẻ.
Hiện tượng sốt đất ảo xảy ra sẽ hình thành nên “bong bóng” giá, nguy cơ gây bất ổn trong cung cầu, khi chạm ngưỡng được bơm căng, dẫn đến tình trạng đổ vỡ dây chuyền, gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa mất nguồn thu nhập chính. Còn nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy tài chính có nguy cơ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, cơn sốt ảo còn tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu tư của địa phương.
Giới chuyên gia cũng nhận định, hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và nguy cơ “tiền mất, tật mang” là rất lớn, đặc biệt là đối với nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm. Thực tế, việc chạy đua theo thông tin, đầu tư kiểu lướt sóng thì chỉ có “cò” đất là đứng giữa hưởng lợi.
Theo: Cafef
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L